Bài phỏng vấn giáo sư Nguyễn Mai thực hiện bởi tập san Ngày Mới Paris vào tháng 08/2017

Giáo Sư Nguyễn Thị Mai “người truyền lửa Âm Nhạc Truyền Thống Việt Nam tại hải ngoại” Giáo Sư Nguyễn Thị Mai tốt nghiệp Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Việt Nam Cộng Hòa niên khóa 1960-1961 về các môn Đàn Tranh và Sư Phạm Âm Nhạc, năm 1961 Cô được bổ nhiệm làm Giáo Sư Âm Nhạc dạy tại Trường Nữ Trung Học Gia Long Sài Gòn, cô cũng đã từng dạy môn Đàn Tranh Ký Xướng Âm và Chính tả Âm Nhạc tại Trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn. Đến năm 1975 chuyển về dạy tại Trường Nghệ Thuật Sân Khấu Sài Gòn. Giáo Sư cũng là người đồng sáng lập và điều hành Hội Phát Triển Nghệ Thuật Truyền Thống Việt Nam và Đoàn Văn Nghệ Lạc Hồng tại Orange County với Giáo Sư Nguyễn Văn Châu từ năm 1989 đến nay. Gs đã chủ trương mở lớp đàn tranh hướng dẫn các em xử dụng các nhạc cụ cổ truyền của dân tộc Việt Nam tại hải ngoại. Lời ngỏ : Được anh Lê Trân và chị Diễm Thy giao cho trọng trách Đại diện Ban Biên Tập Báo Ngày Mới Paris phỏng vấn Giáo sư Nhạc sĩ Nguyễn Mai, sẽ đến Paris tham dự Đại Hội Âm Nhạc Dân Tộc lần IV tổ chức tại Paris trong suốt ba ngày ngày 20 – 21 & 22 tháng 7 năm 2017. Lần đầu tiên được giao trọng trách này tôi cũng cảm thấy lo lo vì chưa từng làm nhưng được sự khuyến khích và nâng đỡ của anh chị, tôi đành phải “phóng lao” Đầu tiên tôi đi tìm tài liệu về Giáo sư, nhìn thấy ảnh của GS Mai trên youtube trong những buổi trình diễn của nhóm Lạc Hồng, sau đó tôi liên lạc với GS ngang qua điện thoại, vẫn giọng nói trẻ trung, sinh động, qua vài câu chào hỏi, GS nhận ra được tôi là học trò của GS lúc GS dạy trường trung học Gia Long, năm tôi học lớp đệ lục. Thường thì trò nhớ Thầy, chớ ít khi Thầy nhớ trò, vì số học trò quá đông nhưng GS nhớ được trò vì một trong hai lý do: trò quá xuất sắc hoặc trò quá dở. Tôi thì nằm trong trường hợp thứ nhì, GS nói rằng: “Cô nhớ em vì em hay giỡn nếu không thì em ngủ” Khi gặp lại cô tận mắt trong ngày đại hội, Cô vẫn giữ được nét tươi trẻ của ” ngày nào ” xa xôi đó, nhẫm tính lại thì đã hơn phân nửa thế kỷ ( 55 năm qua). Tôi xin phép được dùng chữ Cô thay chị hay Giáo Sư trong bài phỏng vấn của mình. Cũng nhờ sự hội ngộ và nhờ tình Thầy Trò mà tôi cảm thấy “dạn dĩ ” trong buổi phỏng vấn này. Diễm Đào Biên tập viên Báo Ngày Mới Paris Chào Giáo sư Được Cô nhận ra em là học sinh cũ của Cô, thì em xin phép được dùng chữ Cô thay cho chữ Giáo sư. Nhân dịp Cô sang tham dự Âm Nhạc Truyền Thống Việt Nam Lần thứ IV tổ chức tại Paris năm 2017. Đại diện Tập san Văn Hóa Xã Hội Ngày Mới Paris, em hân hạnh được tiếp xúc với Cô qua buổi phỏng vấn này. Diễm Đào (Tập san Ngày Mới Paris) : Âm nhạc của mỗi dân tộc không hề bất biến mà có sự giao thoa, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa âm nhạc thế giới. Ngày nay chúng ta tiếp xúc với hầu hết các nền văn hóa nói chung và âm nhạc nói riêng của thế giới, từ loại hình âm nhạc dân gian dân tộc, bác học hàn lâm đến âm nhạc đại chúng (Pop, Rock)… Cô vui lòng cho biết những loại nhạc này có làm mất ảnh hưởng Âm Nhạc Truyền Thống Việt Nam không ? Giáo sư Nguyễn Mai : Không làm mất, tuy âm nhạc thay đổi theo thời đại nhưng cái gốc vẫn là Việt Nam, vì khán thính giả nhận diện được bài nhạc đó thuộc miền nào hay vùng nào của Việt Nam, ví dụ bài Trống Cơm, dù có sửa đổi tiết điệu thế nào thì người nghe cũng biết đó là dân ca quan họ Bắc Ninh, hay nói nhạc tây phương, dù sau này có nhạc modern, hay country music, thì nhạc classic vẫn được ưa chuộng Diễm Đào (NM) : Các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam đặc biệt là các giáo sư nhạc sĩ Âm Nhạc Truyền Thống Việt Nam hải ngoại đã có những phương châm chỉ đạo nào để có thể vừa phù hợp, vừa duy trì để hoàn thiện và nâng cao cái gốc của Âm Nhạc Truyền Thống Việt Nam ? Gs Nguyễn Mai : Thế hệ chúng tôi được học trường QGAN, sau khi đất nước chia đôi với những phương pháp mới như phải học nhạc lý, ký xướng âm (dictation) bằng nốt nhạc tây phương, nhờ vậy mà chúng tôi mới ký âm lại các bài bản xưa viết bằng chữ ( Hò -xự- xang- xê- công) chuyển đổi thành nốt nhạc mà hiện nay các nhạc sinh đang học. Diễm Đào (NM) : Từ lúc rời VN vào năm 1977, cô không ngừng hoạt động trong lãnh vực âm nhạc nhất là Âm nhạc cổ truyền VN ở hải ngoại, là một thành viên trong ban sáng lập, là Giám Đốc của đoàn Nghệ thuật Lạc Hồng, xin cô vui lòng giới thiệu qua về đoàn Nghệ thuật Lạc Hồng : quá trình thành lập, thành phần cộng tác viên của đoàn ? Gs Nguyễn Mai : Vạn sự khởi đầu nan, thú thật khi sang Mỹ, Cô không nghĩ là sẽ dạy âm nhạc cổ truyền VN, nhưng học trò tìm đến và Cô dạy ngay từ đầu, một ngày một đông với những buổi trình diễn nho nhỏ, do đó, muốn lưu giữ và phát triễn âm nhạc tại hải ngoại, chúng tôi thành lập hội Phát triển Nghệ Thuật Truyền Thống VN với những buổi trình diễn qui mô hơn. Từ đó chúng tôi được sự giúp đỡ của cộng đồng, các mạnh thường quân, các thiện nguyện viên, thêm vào đó các em cũng như các phụ huynh rất yêu thich và hãnh diện được học hỏi âm nhạc cổ truyền VN Diễm Đào (NM) : Sau hơn 25 năm hoạt động của đoàn, cô có ước vọng gì nơi thế hệ trẻ ở hải ngoại trong việc bảo tồn và phát huy âm nhạc cổ truyền ? Gs Nguyễn Mai : Chúng tôi đang đào tạo các thế hệ kế tiếp và ước mong các em sẽ tiếp tục học hỏi để gìn giữ, phát triển và truyền bá nền âm nhạc cổ truyền tại hải ngoại. Diễm Đào (NM) : Trong suốt quá trình giảng dạy, Cô có tìm ra được người học trò nào có đủ khả năng, nhiệt tình để Cô yên lòng khi có người thừa kế và tiếp tục cuộc hành trình của mình không ? Gs Nguyễn Mai : Có rất nhiều, nhưng vì cuộc sống các em không thể bỏ hết thì giờ để theo đuổi, tuy nhiên các em vẫn trở lại và phụ giúp chúng tôi Diễm Đào (NM) : Cô có gặp phải những khó khăn nào trong những bước đầu khi thành lập Đoàn Nghệ thuật Lạc Hồng ? Gs Nguyễn Mai : Có rất nhiều, vấn đề kinh tế, thời gian, ổn định đời sống, công việc làm và gia đình, vì yêu thích và say mê nên Cô không nản lòng và vẫn thu xếp để có thời giờ sinh hoạt trong hội Diễm Đào (NM) : Cô có thể cho độc giả và những em trẻ yêu âm nhạc cổ truyền biết qua về kinh nghiệm cá nhân của mình. Làm sao cô có thể vừa làm việc, vừa cộng tác, tham gia không mệt mỏi với những sinh hoạt của đoàn mà vẫn giữ được nét tươi mát và nhiệt tâm của mình ? Gs Nguyễn Mai : Thứ nhất là lòng yêu nghề, sau đó nhìn thấy sự yêu thích và tiến bộ của các em, xa hơn nữa là nghĩ về đất nước, mình phải đóng góp một phần nhỏ trong việc bảo tồn di sản của tổ tiên để lại, vì Cô luôn nghĩ âm nhạc cổ truyền VN còn thì đất nứơc VN còn Diễm Đào (NM) : Đoàn Lạc Hồng có dịp nào đi trình diễn ngoài nước Mỹ chưa ? Cô có nghĩ rằng một ngày nào đó đoàn Lạc Hồng có thể đến Pháp để trình diễn và đồng thời để chia sẻ với các lớp trẻ, sinh ra là lớn lên trên đất Pháp cũng biết nói tiếng Việt, biết đàn hát những bài hát dân tộc không ? Giáo sư Nguyễn Mai : Cũng có vài lần. Chúng tôi rất muốn vì Pháp là một trong những nước có cộng đồng người Việt lâu năm nhất. Diễm Đào (NM) : Đây là lần thứ mấy cô đến Pháp ? Cảm tưởng của cô như thế nào khi tiếp xúc với cộng đồng người Việt tại Paris ? Gs Nguyễn Mai : Tôi đã đến Pháp vài lần nhưng đây là lần đầu tiên tôi tham dự đại hội và cũng là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với cộng đồng VN tại Pháp. Diễm Đào (NM) : Trước khi kết thúc buổi phỏng vấn, cô cho biết cảm nghĩ của mình về Đại hội Âm Nhạc Truyền Thống VN lần thứ tư được tổ chức tại Paris mà cô là một trong những giáo sư nhạc sĩ đến tham dự Buổi Hội Ngộ này ? Gs Nguyễn Mai : Cô rất hân hạnh khi được mời tham dự Đại hội kỳ này, và đây cũng là dịp hội ngộ cùng các bạn cũ từ trường Quốc Gia Âm Nhạc Sàigon VN, và cũng là dịp gặp các em nhạc sinh cũ và mới đang sinh sống tại hải ngoại, Cô cũng rất cảm động và vui mừng khi thấy các em ở hải ngoại mà vẫn yêu thích và luôn học hỏi về văn hoá của nước mình. Diễm Đào (NM) : Thành thật cám ơn cô đã dành thì giờ quý báu cho bài phỏng vấn này. Diễm Đào Biên tập viên Báo Ngày Mới Paris

This entry was posted in English. Bookmark the permalink.