Bài viết về Đại Hội của Bùi Nguyên Đức, Báo Thời Mới Canada, tháng 07/2017

Sau 42 năm nhiều triệu người Việt đã rời bỏ quê hương ra đi để chọn cuộc sống tỵ nạn ở khắp nơi trên thế giới. Mặc dù, chúng ta đã phải bỏ lại phía sau nhiều thứ quí giá nhứt đã có được trong cuộc sống, cũng như phải đối diện với vô số khó khăn trong bước đường hội nhập với quê hương mới. Nhưng một điểm son nổi bật của Cộng đồng Người Việt hải ngoại, mà mỗi người trong chúng ta có thể hãnh diện, đó là sự cố gắng không ngừng cho công cuộc dùy trì nền Văn hóa truyền thống của Dân tộc Việt, trong số đó có lãnh vực Nhạc cổ truyền. Tiêu biểu nhứt, trong bất cứ các sinh hoạt văn nghệ nào, cho dù lớn hay nhỏ của Cộng đồng người Việt ở khắp mọi nơi trên thế giới, anh chị em nghệ sĩ cổ nhạc đều có chỗ đứng trên sân khấu hay tại các thính phòng dành riêng. Tài năng biểu diễn điêu luyện, không riêng đối với các nghệ nhân đàn anh đàn chị, mà ngay cả các nghệ nhân trẻ ở lứa tuổi 10 hay 15, cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt của mọi tầng lớp khán và thính giả người Việt lẫn người yêu âm nhạc của nước ngoài. Đặc biệt, năm 2017 thủ đô Paris (Pháp quốc) đã được chọn để tổ chức “Đại Nhạc hội cổ truyền Việt nam lần thứ tư (4e Festival de Musique Traditionnele Vietnamienne). Một điều có thể gây ngạc nhiên đầy thích thú cho chúng ta, Đại hội Âm nhạc Truyền thống Việt nam (ĐHANTT/VN) đang trên đà quốc tế hóa, thu hút hàng trăm giáo sư, nhạc sĩ, và các nhà nghiên cứu nhạc cổ truyền khắp nơi trên thế giới quan tâm và đang nhảy vào cuộc càng ngày càng đông đảo. Nhưng sáng kiến đi đến việc thành lập của ĐHANTT/VN, lại xuất phát từ một nữ nhạc sĩ cổ nhạc trẻ. Đó là cô Kim Uyên đương kim Giám đốc điều hành của Cộng đồng người Canada gốc Việt tại thành phố Mississauga (Ontario). ĐHANTT/VN lần đầu đã được tổ chức tại thành phố Mississauga vào tháng 7/2011; lần thứ hai tại thành phố Seattle (Washinton) vào năm 2013; lần thứ ba tại thành phố Banktown phía nam Sydney và phần trình diễn sau chương trình Đại hội đã được tổ chức tại Đền Hùng Melbourne (Victoria) vào năm 2015. Và lần thứ tư sẽ diễn ra từ 20 đến 22/7/2017 sắp đến đây. Địa chỉ tại Maison des Associations de Solidarité de Paris, 10 rue des Terres au Curé, 75013 Paris. Website www.mas-paris.fr. Và cứ mỗi 2 năm sẽ được tổ chức một lần. ĐHANTT/VN lần thứ năm đã được lên kế hoạch sẽ tổ chức tại Westminter California vào năm 2019 và sẽ do nhóm Lạc Hồng đứng ra tổ chức. Website www.dhanttvn.net Tôn chỉ và mục đích của ĐHANTT/VN nhằm mở rộng sự hiểu biết, khuyến khích óc sáng tạo, duy trì các hoạt động biểu diễn và nghiên cứu, để từng bước phong phú hóa và hệ thống hóa lãnh vực âm nhạc cổ truyền VN tại hải ngoại. ĐHANTT/VN không phục vụ cho mục tiêu chính trị hay đảng phái, và mọi người yêu nhạc cổ truyền không phân biệt tuổi tác và trình độ khác nhau trong xã hội, đều được nồng nhiệt chào đón như nhau. ĐHANTT/VN đã được tổ chức với các cuộc hội thảo, các cuộc thi tuyển chọn những tài năng mới với diều kiện là những người theo đuổi học hỏi nhạc dân tộc nhưng không phải là chuyên nghiệp, đặc biệt ưu tiên cho các bạn trẻ trong cũng như ngoài nước và chương trình biểu diễn đã được tổ chức rất thành công trong những lần qua. ĐHANTT/VN qui tụ khá nhiều giáo sư, học giả và các nhà nghiên cứu âm nhạc quốc tế. Trong khi đó, thành phần tham gia vừa qua đã có một số các nghệ sĩ nổi tiếng, như: Lê Tuấn Hùng (Melbourne – Australia), Phạm Đức Thành (Toronto – Canada), Lê Kim Uyên (Toronto – Canada), Nhóm Tre Việt (Toronto – Canada), Nhóm Tre Vàng (Sydney – Australia), Nhóm Hướng Việt (Seattle – Hoa kỳ), Nhóm Tiếng Vọng Quê Hương (Sanjose – USA), Nhóm Tiếng Hoài Hương (Portland – Oregon – USA), Gia đình nghệ sĩ Đăng Thảo (Adelaide – Australia), Nhóm Hương Xưa (Houston – USA ), Nhóm Phượng Ca ( Paris – France) , Nhóm Phượng Ca Osla (Oslo – Norway), Nhóm Lạc Việt (Utah – USA). Nhóm các nhạc sinh học nhạc cổ truyền với các giáo sư qua Internet và một số nghệ sĩ tự do đến từ các nơi v.v… Một điều chúng tôi tin chắc lần nầy tại Paris với sự tổ chức của nhóm Phượng ca, với người sáng lập là Giáo sư Phương Oanh số người tham dự sẽ vô cùng đông đảo. Chương trình biểu diễn sẽ đặc sắc hơn, và các buổi hội thảo cũng như các công trình nghiên cứu, sẽ là những đóng góp quan trọng cho bước đi mới của lãnh vực nhạc cổ truyền VN trong tương lai. Bùi Nguyên Đức, Báo Thời Mới Canada

This entry was posted in English. Bookmark the permalink.