Giáo sư Nhạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Châu “người miệt mài với âm nhạc truyền thống việt nam” Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Châu tốt nghiệp Trường Quốc gia Âm Nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn khoa Đàn tranh và Ca xướng vào năm 1966. Sau khi tốt nghiệp, Giáo sư tham gia giảng dạy tại Nhạc viện Quốc Gia Sài Gòn hơn 30 năm. Năm 1989, cô đoạt giải Huy Chương Bạc độc tấu liên hoan ca múa nhạc. Từ năm 2000 đến hiện nay, giáo sư tiếp tục công việc giảng dạy tại Nhạc viện khoa âm nhạc dân tộc. Các học trò của giáo sư hiện là các nghệ sĩ thành công trong và ngoài nước như: nghệ sĩ Đặng Thị Kim Hiền, nghệ sĩ Ngụy Thị Thương Thương v.v… và họ cũng đang tiếp nối con đường của giáo sư truyền thụ và phát huy âm nhạc dân tộc. Ngoài công tác giảng dạy truyền đạt ngón đàn của mình cho các thế hệ sau, giáo sư còn chuyên tâm trong công việc sáng tác và chuyển soạn các bản đàn cho cây đàn tranh cũng như các giáo trình sư phạm cho việc giảng dạy đàn tranh. Các tác phẩm tiêu biểu của cô gồm có : trống đệm “Tiếng chày trên sóc Bombo” viết cho Đàn tranh, biến tấu Lý Ngựa Ô, biến tấu theo điệu Lý đêm trăng (độc tấu cho đàn Tranh 22), biến tấu Sakura. Ngoài các hoạt động trên, giáo sư được mời tham gia nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại Việt Nam, Nhật Bản (1970), Canada (1974), Pháp (2004 và 2006) Từ thuở lập nước đến nay, âm nhạc cổ truyền Việt Nam đã không ngừng phát triển. Mặc dầu trải qua bao biến thiên thời cuộc, từng hứng chịu nhiều nghịch cảnh, trong đó định kiến “xướng ca vô loại” đã làm nhụt chí những ai thiết tha trong việc chọn âm nhạc làm nghiệp chính. Đến khi người Pháp cai trị nước ta, vị trí và ảnh hưởng của âm nhạc cổ truyền Việt Nam (đành) phải nhường chỗ cho âm nhạc Tây phương. Trong khi nền tân nhạc gây ảnh hưởng lớn lao nơi đại đa số dân trung lưu thành thị, âm nhạc cổ truyền của nước ta dường như chỉ lưu hành trong một khuôn khổ truyền thống hạn hẹp, như Trường Quốc Gia Âm Nhạc, các màn hát dân ca, cải lương, hát bội và các nhóm nhạc thờ cúng tại các đền và các đình làng. Thỉnh thoảng, cổ nhạc Việt được một số nhà nghiên cứu âm nhạc cổ truyền Việt Nam trình diễn trên một diễn đàn quốc tế. Trong khi đó, người ta có thể đầu tư bạc tỷ cho nhiều loại âm nhạc gọi là “mới”, nuôi dưỡng nhiều mô hình nghệ thuật phát triển… nhưng lại chẳng đầu tư bao nhiêu cho kho tàng di sản cổ nhạc của cha ông để lại. Ai cũng hô hào, ai cũng công nhận là phải làm, nhưng tất cả dường như chỉ dừng lại ở đó … Chào chị Ngọc Châu, Hân hạnh được tiếp chuyện cùng chị nhân dịp Đại Hội Âm Nhạc Truyền Thống Việt Nam lần thứ IV tổ chức tại Paris. Diễm Đào (Tập san Ngày Mới Paris) : Đại Hội Âm Nhạc Truyền Thống Việt Nam lần thứ IV tại Paris do giáo sư nhạc sĩ Phương Oanh “người gieo mầm âm nhạc truyền thống Việt Nam nơi xứ người”cùng Nhạc viện Âm Nhạc Truyền Thống Việt Nam Phượng Ca tại Paris tổ chức. Theo chị, đây là cuộc hội ngộ cần thiết và nên tổ chức thường xuyên (2 năm một lần) để các giáo sư, nhạc sĩ từ hải ngoại đến quốc nội có dịp gặp nhau trao đổi kinh nghiệm cùng hỗ tương cho nhau trong việc bảo tồn và phát huy âm nhạc truyền thống VN trong thời đại này ? Giáo sư Ngọc Châu : Rất cần, bởi vì Đại hội này thứ nhất để các Giáo sư mọi nơi được gặp lại trao đổi theo nghề nghiệp ; thứ hai để các học sinh rèn luyện theo nghề nghiệp. Diễm Đào (NM) : Chị vui lòng cho độc giả biết quan điểm của mình về giá trị âm nhạc truyền thống VN trong đời sống hôm nay. Gs Ngọc Châu : Trước nhất phải có hiểu biết sâu rộng về Âm nhạc dân tộc thì mới duy trì và phát triển thêm. Diễm Đào (NM) : Theo chị, ý niệm tự hào về một nền âm nhạc thuần túy của dân tộc cần phải dựa trên những yếu tố nào ? Giáo sư Ngọc Châu : Thực tế,hiện tại nhiều em chạy theo nền âm nhạc Tây phương nhiều hơn nhưng nhờ Âm nhạc Truyền thống mà có những em đi theo con đường Âm nhạc truyền thống, trở về cội nguồn của mình, đó là điều rất hay. Diễm Đào (NM) : Từ thuở đầu, âm nhạc nước ta cũng có nhiều vay mượn từ các nước láng giềng và các bộ tộc thiểu số sống trong vùng Trường sơn. Trải qua nhiều thế kỷ bị Trung Hoa đô hộ, các sử liệu hầu hết bị thất lạc và tiêu hủy bởi những người cai trị nên việc tìm hiểu âm nhạc của nước ta quả là một điều khó làm. Là giáo sư nhạc sĩ đàn Tranh, chị vui lòng cho độc giả biết sự khác biệt về hình dạng cấu tạo, âm sắc, kỹ thuật … giữa đàn tranh VN và đàn tranh Trung quốc. Gs Ngọc Châu : Về nhạc cụ đàn Tranh thì tôi thấy đàn nhỏ của Trung quốc và Việt Nam thì giống nhau còn đàn đại Trung quốc dây to, còn đàn Việt Nam thì dây đàn nhỏ, thì đàn nhẹ nhàng, nhấn nhá được trải lòng mình trong tiếng đàn nhiều hơn. Diễm Đào (NM) : Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Sài Gòn sau đó đổi thành Nhạc Viện Quốc gia Âm nhạc, xin chị cho biết chương trình giảng dạy và điều kiện để ghi tên vào học có thay đổi không ? Gs Ngọc Châu : Về cách giảng dạy và điều kiện vẫn giống nhau nhưng được thêm thắt nhiều hơn về những kỹ thuật mới để thêm vào những bản đàn được phong phú hơn. Diễm Đào (NM) : Những giáo trình sư phạm cho việc giảng dạy đàn Tranh mà chị đã chuyên tâm biên soạn có được in ra thành sách để phổ biến ngoài thị trường, hay chỉ dùng trong việc giảng dạy ? Gs Ngọc Châu : Cũng có những Giáo sư in giáo trình thành sách, tôi cũng có in một số sách những bài bản nhỏ. Còn những sáng tác của tôi thì chưa có diều kiện để làm và mong sẽ có ngày tôi sẽ in ra. Diễm Đào (NM) : Những tác phẩm tiêu biểu của chị biên soạn như : trống đệm “Tiếng chày trên sóc bambo” viết cho đàn tranh, biến tấu theo điệu Lý đêm trăng (độc tấu cho đàn tranh 22 dây), biến tấu Sakura, những tác phẩm đó có được in ra hay làm thành dĩa nhạc để bán ngoài thị trường không ? Gs Ngọc Châu : Năm 2005 tôi có đem một số dĩa qua đây để phổ biến nhưng hôm nay không có đem qua. Diễm Đào (NM) : Qua những lần được mời tham gia nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại Việt Nam, Nhật Bản (1970), Canada (1974), Pháp (2004, 2006), nơi đâu đã ghi nhiều cảm xúc và để lại cho chị những kỷ niệm khó quên ? Gs Ngọc Châu : Những chuyến xuất ngoại mà tôi đã đi : Canada, Nhật Bổn, thì chỉ đến một lần, còn tại Paris thì đây là lần thứ ba tôi trở lại thì để lại trong tâm trí tôi, về nghệ thuật văn hoá ở đây lưu tâm đến nền Âm nhạc Dân tộc nhiều hơn. Diễm Đào (NM) : Kể từ năm 2006, đây là lần thứ ba, sau 11 năm, chị trở lại Paris để tham dự Đại hội lần thứ IV năm 2017 tổ chức tại Paris, cộng đồng người Việt tại Pháp sẽ được thưởng thức những tác phẩm tiêu biểu của chị không ? Gs Ngọc Châu : Tôi rất cảm kích, phải nói là tôi rất cám ơn nhạc sĩ Phương Oanh, Kim Uyên, đã có nhã ý mời tôi đến với Đại hội này để được gặp gỡ và trao đổi với bạn bè xưa. Diễm Đào (NM) : Đại diện cho Tập san Ngày Mới Paris, thành thật cám ơn chị đã dành thì giờ cho buổi tiếp chuyện này và để kết thúc, xin chị cho biết cảm nghĩ của mình khi đến kinh đô Ánh Sáng Paris tham dự buổi Hội Ngộ này ? Gs Ngọc Châu : Tôi rất cám ơn tập san Ngày Mới đã cho tôi có những phút tâm tình với độc giả và một lần nữa cũng xin cám ơn Đại hội Âm nhạc Truyền thống do Phương Oanh và Kim Uyên tổ chức tại Paris Diễm Đào Biên tập viên Tập san Ngày Mới Paris
-
Recent Posts
- Đại Hội Âm Nhạc Truyền Thống lần thứ 5
- Nghệ sĩ Kim Uyên “người giữ hồn cho Âm Nhạc Truyền Thống Việt Nam tại hải ngoại”.
- những bài viết sau đại hội IV Paris
- dai hoi am nhac truyen thong lan thu tu sbtn toronto
- tin tuc
- Bài viết về Đại Hội của Bùi Nguyên Đức, Báo Thời Mới Canada, tháng 07/2017
- Bài phỏng vấn giáo sư Phương Oanh thực hiện bởi phóng viên Từ Nguyên vào tháng 06/2017
- Bài phỏng vấn giáo sư Ngọc Châu thực hiện bởi tập san Ngày Mới Paris vào tháng 08/2017
- Bài phỏng vấn giáo sư Nguyễn Mai thực hiện bởi tập san Ngày Mới Paris vào tháng 08/2017
- Bài phỏng vấn giáo sư Ngọc Dung thực hiện bởi tập san Ngày Mới Paris vào tháng 08/2017
Recent Comments
Archives
Meta