PHỎNG VẤN GS PHƯƠNG OANH VỀ ĐẠI HỘI ÂM NHẠC TRUYỀN THỐNG KY IV TẠI PARIS Từ Nguyên Phượng Ca trình diễn tại Taverny, Pháp Paris (NV).- Ba ngày 20, 21 và 22 tháng bảy tới đây, Đoàn Phượng Ca Dân Ca Quốc Nhạc sẽ tổ chức Đại hội Âm Nhạc Truyền Thống Việt Nam kỳ thứ IV tại Paris. Đại hội có sự tham dự của nhiều đoàn và nhạc sĩ trên thế giới, từ Mỹ, Canada, Đức, Na Uy, Bỉ, Việt Nam và từ nhiều thành phố của nước Pháp. Đây là một hoạt động quan trọng của sinh hoạt văn hóa tại Paris nên Người Việt đã gặp và phỏng vấn GS Phương Oanh, người điều khiển đoàn Phượng Ca Dân Ca Quốc Nhạc, về đại hội này. GS Phương Oanh đã nghỉ hưu, hiện dạy cho Phượng Ca ở Paris 13 và Paris 17 và dạy trên mạng lưới. Ngoài ra, trình diễn chung với nữ diễn viên Isabelle Genlis kể chuyện cổ tích Việt Nam cho trẻ em người Pháp. MỤC ĐÍCH CỦA ĐẠI HỘI Từ Nguyên : Mục đích chính của đại hội là gì ? GS. Phương Oanh : Đại hội là dịp để những người tham dự trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, trình diễn và học hỏi về âm nhạc truyền thống Việt Nam. Đây là dịp để kết chặt tình thân giữa các tổ chức, các nhóm nhạc dân tộc Việt Nam trên khắp thế giới đang nỗ lực để phổ biến, duy trì và phát huy âm nhạc dân tộc Việt Nam. Đại hội còn để vinh danh các Thầy, Cô, các bậc tiền bối hiện còn có mặt. ĐẶC BIỆT KỲ THỨ IV Hỏi : Về chương trình, so với ba lần trước, điểm đặc biệt của kỳ đại hội lần này là gì ? Đáp : Đại hội lần này chú trọng tới việc giúp các nhạc sinh, nhạc sĩ tham dự đại hội học hỏi với giáo sư chuyên môn để cho trình độ diễn tấu đúng phong cách từng miền. Nhiều buổi thảo luận về âm nhạc dân tộc với các giáo sư cùng tham dự viên. Đại hội IV này thừa hưởng kinh nghiệm tổ chức và điều hành của ba đại hội trước, Đại hội I tại Toronto, Canada do Nhóm Nhạc Tre Việt và Kim Uyên phụ trách tổ chức năm 2011, Đại hội II tại Seattle, Hoa kỳ do Đoàn Văn Nghệ dân tôc Hướng Việt với Nhạc sĩ Việt Hải tổ chức năm 2013, Đại hội III tại Sydney, Úc do Hội Người Việt và Giáo sư Nguyễn Lê Tuyên phụ trách tổ chức năm 2015. Công đầu phải kể là của Nhạc sĩ Kim Uyên, giám đốc điều hành Trung Tâm Canada Việt tại Toronto. Kim Uyên năm 2011 đã sáng khởi đại hội I, từ năm đó, các đại hội hai năm một lần tiếp nối cho tới nay. BỐN THẾ HỆ CỰU NHẠC SINH Hỏi : Có bao nhiêu đoàn sinh, nhạc sĩ, giáo sư của Phượng Ca hay của các đoàn khác đến Paris tham dự đại hội ? Đáp : Khoảng một trăm người, trong đó có đoàn viên của Phượng Ca khắp nơi, các giáo sư, nhạc sĩ và những người học nhạc dân tộc ghi danh từ các quốc gia Mỹ, Canada, Đức, Na Uy, Bỉ, Việt Nam và các thành phố khác của nước Pháp. Qua đại hội kỳ IV này, lần đầu tiên gặp nhau của bốn thế hệ cựu nhạc sinh của trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ hội tụ từ -niên khoá 1959-1962, Mai Nguyễn, Lan Phương, Phương Oanh -niên khoá 1963-1970, Ngọc Dung SJ, Ngọc Châu -niên khoá 1971-1975, Kim Uyên, Hồ Thụy Trang -niên khoá 1974-1980, Ngọc Dung, Hạnh Dung, Huỳnh Hà, Thúy Vân được học tại trường và tốt nghiệp đệ tam cấp ở nhạc viện tại Pháp. Và sau khi trường nhạc được đổi tên thành Nhạc Viện Quốc Gia Âm Nhạc thì có mặt của các cô Phượng Bảo, Nguyễn Thanh và tất cả những nhạc sĩ, nhạc sinh của các nhóm quốc nhạc đến từ nhiều nơi trong xứ Pháp về tham dự đại hội. SINH HOẠT CỦA ĐẠI HỘI Hỏi : Sinh hoạt chung của Đại hội là như thế nào ? Đáp : Đại hội có buổi thảo luận về nguyên tắc sư phạm hay giáo trình học hay dạy Âm nhạc truyền thống Việt Nam. Đặc biệt nhắm vào phần thực hành trên nhạc cụ những bài bản truyền thống và những sáng tác mới với các giáo sư sáng tác. Hỏi : Phong trào học hay trình diễn Âm nhạc truyền thống Việt Nam ng ày nay như thế nào, ở đâu sinh hoạt mạnh nhất, trong nước hay ngoài nước ? Đáp : Phong trào học hay trình diễn Âm nhạc truyền thống Việt Nam đang phát triển rất mạnh, ở trong cũng như ngoài nước. Trong nước, do nhu cầu để tiếp đón khách du lịch, các ban nhạc dân tộc được thành lập nhiều, phần đông trình diễn ở các nhà hàng, các tụ điểm ca nhạc. Đa số bị ảnh hưởng nhiều về cách ăn mặc, biểu diễn của người Hoa, làm cho chúng ta có cảm tưởng họ tự đồng hoá thành người Trung Hoa. Ngoài nước, người Việt đã gầy dựng nên những cơ sở dạy âm nhạc dân tộc. Trên 40 năm định cư ở xứ người, chúng ta đã góp phần tích cực vào các chương trình đa văn hoá, đồng thời nỗ lực gìn giữ âm nhạc dân tộc Việt Nam tại hải ngoại. Hỏi : Hiện nay, có sự thống nhất trong vấn đề giảng dạy hay trình diễn ca nhạc cổ truyền V.N ? Đáp : Trước 1975, Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch Nghệ Saigon đã thành công trong việc thống nhất bài bản dân tộc với sự tham gia soạn thảo chung của các giáo sư quốc nhạc. Sau này thì điều này không còn nữa, vì qua các bài bản do người xuất ngoại đem theo, mỗi người có bài bản khác nhau…Trở lại tình trạng như trước…rồi thêm những sáng tác mới, lớp trẻ thích học nhạc mới hơn, nên không có đồng nhất trong việc giảng dạy. TRÌNH DIỄN BẾ MẠC ĐẠI HỘI Hỏi : Buổi trình diễn bế mạc kết thúc đại hội là phần long trọng nhất của đại hội. Buổi đó đã được chuẩn bị như thế nào ? Đáp : Như chương trình đã soạn, buổi trình diễn bế mạc là để đúc kết thành quả học tập của mọi người trong đại hội. Chương trình có hai phần : -Phần đầu là trình tấu một số bài bản theo phong cách lưu truyền. -Phần sau là trình tấu những bài bản được nhạc sĩ soạn cho dàn nhạc, hoặc trình diễn những sáng tác mới của các nhạc sĩ, giáo sư có mặt trong đại hội. PHƯỢNG CA 50 NĂM Hỏi : Đoàn Phượng Ca do GS Phương Oanh thành lập từ bao lâu, có chi nhánh ở đâu, có bao nhiêu giáo sư và đoàn sinh? Đáp : Hiện nay, có nhiều lớp đàn tranh và nhiều ban nhạc dân tộc Việt Nam ở Paris, do đó Phượng Ca không còn là một cơ sở duy nhất về âm nhạc dân tộc tại Pháp. Cho tới nay, Phượng Ca có chi nhánh ở các thành phố Lognes, Taverny, Quận 13 Paris, Quận 17 Paris, và lớp đàn tranh tại nhạc viện của các thành phố Antony, Sevran và Villepinte. Một chi nhánh khác ở một nơi thật là xa xôi…ở Oslo, Na Uy. Mỗi nơi đều có người trách nhiệm giữ lớp do Phượng Ca đào tạo và được cấp bằng tốt nghiệp của nhạc viện Pháp. Hiện nay, có 12 nhạc sinh tốt nghiệp đệ tam cấp đàn tranh, nhưng số người tiếp nối dạy nhạc chỉ có phân nửa. Tổng số nhạc sinh vào khoảng từ 50 đến 70 người khi có buổi trình diễn chung trên sân khấu đến từ các nhóm trực thuộc Phượng Ca. Thành lập từ năm 1969, Phượng Ca sẽ kỷ niệm 50 năm thành lập năm 2019. Đây sẽ một ngày vui của Phượng Ca, để mọi người nhìn lại quá trình hoạt động và hồi tưởng những kỷ niệm vui buồn của nhóm. Từ Nguyên : Xin cám ơn GS Phương Oanh và xin chúc đại hội thành công, đem lại niềm tự hào cho người Việt khắp nơi. (TN)
-
Recent Posts
- Đại Hội Âm Nhạc Truyền Thống lần thứ 5
- Nghệ sĩ Kim Uyên “người giữ hồn cho Âm Nhạc Truyền Thống Việt Nam tại hải ngoại”.
- những bài viết sau đại hội IV Paris
- dai hoi am nhac truyen thong lan thu tu sbtn toronto
- tin tuc
- Bài viết về Đại Hội của Bùi Nguyên Đức, Báo Thời Mới Canada, tháng 07/2017
- Bài phỏng vấn giáo sư Phương Oanh thực hiện bởi phóng viên Từ Nguyên vào tháng 06/2017
- Bài phỏng vấn giáo sư Ngọc Châu thực hiện bởi tập san Ngày Mới Paris vào tháng 08/2017
- Bài phỏng vấn giáo sư Nguyễn Mai thực hiện bởi tập san Ngày Mới Paris vào tháng 08/2017
- Bài phỏng vấn giáo sư Ngọc Dung thực hiện bởi tập san Ngày Mới Paris vào tháng 08/2017
Recent Comments
Archives
Meta