Phỏng Vấn Nghệ Sĩ Vân Ánh

Nghệ sĩ Vân Ánh đem tiếng đàn tranh đến đất Mỹ

Thưa quí vị trong tiết mục Câu chuyện Phụ nữ kỳ này, Minh Anh xin giới thiệu đến quí vị nữ nghệ sĩ đàn tranh Võ Vân Ánh, người đã từng đoạt nhiều giải thưởng âm nhạc quốc tế trong đó có giải Emmy năm 2009 cho bản nhạc nền trong phim tài liệu Bolinao 52 do cô đồng sáng tác và thu âm. Nghệ sĩ Vân Ánh cũng là người rất tích cực tham gia các hoạt động từ thiện để gây quĩ cho trẻ em nghèo và người khuyết tật Việt Nam. Hiện tại cô đang giới thiệu tiếng đàn tranh tới với cộng đồng người Việt và người dân Mỹ qua các lớp dạy nhạc của mình ở California.

Sinh ra trong một gia đình nghệ sĩ, Vân Ánh đã có niềm đam mê âm nhạc từ khi còn rất nhỏ. Tuy nhiên, dù có bố là một nghệ sĩ guitar, nhưng cô bé Vân Ánh khi đó mới 4 tuổi lại quyết định chọn cho mình một nhạc cụ dân tộc để theo học. Vân Ánh nhớ lại:

“Mình đến với cây đàn tranh thì hết sức tình cờ, bởi vì lúc đó vẫn còn nhỏ lắm, mới 4 tuổi thì chưa thể nào nghĩ được trong tương lai mình sẽ làm gì. Lúc ban đầu bố, mẹ mình cũng muốn mình học đàn cello, nhưng lúc đó còn bé thì chỉ thấy là đàn cello quá to mà dáng ngồi của đàn cello hơi lạ kỳ đối với mình, cho nên mình nói là mình không thích học đàn cello. Nhưng sau đó mình có nhìn thấy một cô giáo, sau này là cô giáo dậy đàn tranh đầu tiên của mình, chơi đàn tranh. Lúc đó mình thấy đẹp quá, mình nói với bố, mẹ: “trời ơi, cái đàn này trông đẹp quá, con muốn học chơi đàn này!.”

Để có thể chuyên sâu vào con đường âm nhạc, Vân Ánh đã thi vào Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam khi lên trung học, nơi cô vừa phải học văn hóa vào buổi sáng, rồi lại phải học các môn âm nhạc vào buổi chiều tối.  Điều làm Ánh nhớ nhất là những buổi đạp xe đi học từ 6 giờ sáng và tới tận 9 hay 10 giờ tối mới đạp xe về nhà.

Người Việt có câu “khổ luyện thành tài”, và Vân Ánh khi đó đã tự nguyện gác lại mọi chuyến đi chơi xa, hay đi thăm quan, cắm trại cùng bạn bè chỉ để ở nhà luyện đàn và đọc sách.

Những nỗ lực không mệt mỏi của Ánh đã được đền đáp bằng tấm bằng tốt nghiệp đại học loại ưu và mở ra cho cô nhiều cơ hội trong sự nghiệp của người nghệ sĩ.

Năm 1995, Vân Ánh đã giành giải nhất trong cuộc thi đàn tranh quốc gia của Việt Nam cùng với giải nhất cho màn độc tấu nhạc dân tộc hiện đại. Cô cũng đã được lựa chọn để tham các chuyến trình diễn nhạc dân tộc Việt Nam ở khoảng 20 nước trên thế giới.

Vân Ánh đã trở thành một nghệ sĩ quốc tế có tên tuổi từ khi cô sáng tác và chơi nhạc cho bộ phim mang tựa đề “Người con gái Đà Nẵng” – “Daughter from Da Nang”, một bộ phim nửa truyện nửa tài liệu kể về hoàn cảnh éo le của người mẹ Việt và đứa con lai. Bộ phim đã đoạt giải đặc biệt tại Liên hoan phim Sundance năm 2002 và đề cử Oscar năm 2003.

Gần đây nhất, tác phẩm nhạc nền mà cô đồng sáng tác cho bộ phim tài liệu ‘Bolinao 52’ đã đoạt giải Emmy năm 2009, giúp Vân Ánh trở thành nghệ sĩ chơi nhạc dân tộc đầu tiên của Việt Nam tham gia được vào những giải thưởng âm nhạc quan trọng trong dòng âm nhạc chính thống của nước Mỹ. Vân Ánh chia sẻ cảm tưởng khi nhận được những giải thưởng lớn này:

“Tất nhiên là mình rất vui, bởi vì mình nghĩ ai cũng vậy thôi khi mà bắt đầu làm công việc thì cũng có những ước mơ, cũng có những điều kỳ vọng đặt vào. Tuy nhiên, đối với mình thì đầu tiên cứ phải làm công việc đó cho tốt với hết sức mình và đặt hết những cảm tưởng, cảm hứng của mình cho âm nhạc vào trong công việc của mình, rồi sau đó thành tựu ra sao thì phải để dành cho khán giả cũng như những nhà chuyên môn đánh giá.”

Trong một chuyến lưu diễn ở Mỹ, Vân Ánh đã gặp, rồi sau đó yêu và kết hôn với một Việt Kiều Mỹ, anh Steven Huỳnh. Nhưng điều đặc biệt hơn cả là chính mối nhân duyên đó đã đem lại cơ hội để cô đến với các hoạt động từ thiện sau này.

Kể từ khi theo chồng sang Mỹ định cư, Vân Ánh đã tham gia vào rất nhiều buổi trình diễn gây quĩ cho người nghèo, cho các em nhỏ và người tàn tật. Một buổi biểu diễn năm 2006 với sự tham gia của cô đã thu về 150.000 đôla cho người nghèo, cùng với hơn 1.000 xe lăn cho người tàn tật Việt Nam.

Vân Ánh cho biết khi cô bước chân sang nước Mỹ, cô không có ý thức nhiều về việc làm từ thiện và cô cảm thấy đó là những công việc hết sức mới mẻ. Tuy nhiên, chính anh Steven Huỳnh là người đã giới thiệu cô đến với những hoạt động đó.

“Anh Steven Huỳnh đã ở Mỹ lâu rồi và anh đã làm rất nhiều những công việc tình nguyện như dạy tiếng Việt cho các em học sinh ở trường, làm những chương trình gây quĩ khác nhau để giúp đỡ trẻ em và những chương trình giáo dục khác nhau ở Việt Nam. Anh đã giới thiệu để mình tham gia những hoạt động đó. Đồng thời, khi mà mình sống ở bên Mỹ, mình mới càng ngày càng hiểu được là trong lúc mình sống ở Mỹ cũng như ở Việt Nam thực ra thì cộng đồng đã cho mình rất là nhiều, cộng đồng đã yêu thương mình và cũng là nơi vun xới cho mình, để mình lớn lên và có được những thành công của ngày hôm nay. Chính vì thế mà mình muốn làm gì đó để mà trả lại cho cộng đồng của mình. Mình nghĩ với mình là một người nhạc sĩ thì điều tốt nhất là mình có thể tham gia vào các cuộc gây quĩ từ thiện để mà lấy chính cái tài năng của mình để đóng góp và giúp những trẻ em nghèo khó và những chương trình giáo dục ở Việt Nam.”

Hiện tại, ngoài các hoạt động từ thiện và các buổi biểu diễn đàn tranh trên đất Mỹ, nghệ sĩ Vân Ánh cũng đang truyền đạt lại bộ môn âm nhạc dân tộc này tới những người yêu thích văn hóa, âm nhạc Việt Nam ở nơi đây.

“Mình muốn dậy đàn tranh vì mình muốn chia sẻ những kiến thức về văn hóa Việt Nam và kho tàng văn hóa dân gian mà mình biết với cộng đồng Việt Nam, cũng như các cộng đồng bà con nước ngoài khác. Học sinh học đàn của mình rất đa dạng, có học sinh trẻ nhất là 9 tuổi, nhưng cũng có học sinh lớn tuổi nhất là 82 tuổi. Mình có học sinh người Việt nhưng cũng có học sinh người n Độ hoặc là người Mỹ hoặc Tây Ban Nha. Miễn là ai có tấm lòng yêu âm nhạc cũng như muốn tìm hiểu về văn hóa Việt Nam thì mình đều tận tình hết sức để giảng dạy và chia sẻ cho họ về văn hóa và âm nhạc Việt Nam.”

Vân Ánh cho biết nhạc dân tộc Việt Nam được đón nhận rất nồng nhiệt ở nước ngoài bởi những bản nhạc đó gắn liền với chiều dài lịch sử của Việt Nam và phản ánh lên cuộc sống cũng như văn hóa của người Việt cũng như những bản sắc, đặc điểm vùng miền khác nhau của Việt Nam.

Vân Ánh nói rằng sau nhiều năm sinh sống và biểu diễn ở nước ngoài, theo cô điều quan trọng nhất của một người nghệ sĩ khi chơi nhạc dân tộc ở nước ngoài là phải giữ được cái hồn nhạc Việt.

“Mình nghĩ cái quan trọng của một người chơi nhạc dân tộc Việt Nam hay bất cứ dòng nhạc nào cũng thế là phải có cái gốc. Mình may mắn là đã có được cái gốc đó trong suốt thời gian học tập ở Việt Nam, ở nhạc viện quốc gia cũng như  được theo các nghệ nhân về nhạc cải lương hay chèo thì đã giúp mình có được cái màu, cái sắc rất đặc trưng của nhạc dân tộc Việt Nam. Sau khi mình có được cái gốc đó, có được cái hồn, cái sắc đó, thì bây giờ sống trong thế kỷ này, trong thời đại này thì mình có thể vẽ được một bức tranh âm nhạc theo cái mà mình muốn nhưng vẫn giữ được cái gốc, cái hồn dân tộc của mình.”

Sắp tới, nghệ sĩ Vân Ánh sẽ cho ra một đĩa CD mới với tựa đề tiếng Anh là “She’s not She” với sự kết hợp của nhạc dân tộc Việt Nam với cách trình tấu mang tính quốc tế nhằm quảng bá rộng rãi hơn nữa âm nhạc Việt Nam tới bạn bè thế giới.

Ngoài đàn tranh, nghệ sĩ Vân Ánh còn trình diễn các loại nhạc cụ dân tộc khác như đàn bầu, đàn tam thập lục, đàn t’rưng, hay k’longput.

Quý vị có thể thưởng thức một số bản nhạc của nghệ sĩ Vân Ánh tại trang web: www.vananhvo.com

 

 

This entry was posted in Other. Bookmark the permalink.