Có thể nói đây là một sinh hoạt âm nhạc truyền thống Việt Nam quy mô nhất; lần đầu tiên tổ chức tại Seattle tiểu bang Washington.
Cali Today News – Vào lúc 07 giờ tối ngày 19 tháng 07 năm 2013, tại Hí Viện Shorecrest Performing Arts Center thành phố Shoreline, cận bắc Seattle, tiểu bang Washington đã diễn ra buổi Lễ khai mạc Đại hội Âm Nhạc Truyền Thống Việt Nam II do Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Hướng Việt cùng đại diện các nhóm nhạc dân tộc trên toàn thế giới tổ chức. Chương trình đại hội diễn ra trong ba ngày Thứ Sáu, Thứ Bảy và Chủ Nhật. Đặc biệt buổi biểu diễn tối Thứ Bảy thu hút đông đảo khán giả tham dự với cả sự ngạc nhiên và lòng ngưỡng mộ những tài danh hàng đầu của nền âm nhạc truyến thống VN mà người Mỹ gọi là “ Best of the Best”, trên toàn thế giới qui tụ về trình diễn. Chương trình biểu diễn nghệ thuật với nhiều loại nhạc cụ gồm đàn Tranh, đàn Nhị, đàn Bầu, Sáo, Tỳ Bà, đàn Nguyệt, dàn gõ với Trống, Phách, Mõ, sềnh tiền, Chén và nhạc cụ Tây Nguyên.v.v được phối hợp xử dụng cho từng ca khúc và thể loại trình diễn khác nhau đã làm mọi người đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
Tiếp xúc với Dr. Việt Hải trưởng nhóm Hướng Việt và cũng là trưởng ban tổ chức đại hội lần này, để tìm hiểu về chủ đích buổi trình diễn Âm Nhạc Truyền Thống như trau dồi kinh nghiệm giảng dạy, học tập, và phát huy bộ môn âm nhạc cổ truyền Việt Nam; đồng thời cũng để bảo tồn và phổ biến âm nhạc dân tộc đến với âm nhạc thế giới. Và đây cũng là cơ hội để vinh danh các Thầy Cô tiền bối của Âm Nhạc Dân Tộc.
Từ phải: Nghệ sĩ Vân Ánh, thi sĩ Linh Vũ, Nghệ sĩ Việt Hải, Giáo Sư Ngọc Dung và Nghệ sĩ Bảo Sơn trong ngày khai mạc
Có thể nói đây là một sinh hoạt âm nhạc truyền thống Việt Nam quy mô nhất; lần đầu tiên tổ chức tại Seattle tiểu bang Washington. Ngoài những bậc Thầy của nền âm nhạc truyền thống như Giáo Sư Ngọc Dung, Giáo Sư Phương Oanh, Nhà Giáo- Nhạc Sĩ Phạm Thúy Hoan và Giáo Sư Nguyễn Văn Đời. Ngoài ra còn có các ngôi sao trẻ hàng đầu của nền âm nhạc cổ Việt Nam hiện nay từng đoạt huy chương vàng như Nhạc Sĩ Kim Uyên (Lê Thị Kim), Võ Vân Ánh, Phan Đức Thành, Hải Yến, Thanh Hòa, Thúy Vân.v.v đã tạo nên một đêm Đại Nhạc Hội Âm Nhạc Truyền Thống thành công rực rỡ với những ca khúc và tấu khúc quá tuyệt vời. Đây là một đêm qui tụ thật nhiều tài năng xuất sắc của nền âm nhạc truyền thống VN khiến nhiều người ngạc nhiên và hâm mộ. Chúng tôi rất hân hạnh được cơ hội tham dự từ ngay buổi lễ khai mạc . Đại Hội đã để lại trong lòng chúng tôi nhiều cảm giác mới lạ và nhiều nét độc đáo của âm nhạc Việt. Lẽ ra chương trình này phải được phát triển lớn mạnh hơn trước đây để giới thiệu và hòa nhập vào văn hóa Âu Mỹ. Tuy nhiên vẫn chưa muộn vì với tinh thần đam mê âm nhạc và nghệ thuật, hy vọng giới trẻ hôm nay sẽ cố gắng nhiều hơn để mang những tinh hoa âm nhạc truyền thống Việt giới thiệu và hội nhập vào nền văn hóa đa dạng của thế giới.
Chúng tôi nhận thấy có tài năng trẻ cô Vân-Ánh Vanessa Võ đã bước vào vòm trời Hollywood với âm nhạc truyền thống VN. Cô đã nhận được những giải thưởng lớn với những thành công (Gold Medalist, Emmy Award winner) trong bộ phim “Bolinao 52 -California, USA và nhiều bộ phim khác như “Daughter From Danang”, thắng giải Grand Jury Prize, bộ phim “Sundance Film Festival” được đề cử giải Oscar 2003 phim “A Village named Versailles”.v.v. Hiện cô đang có nhiều hợp tác mang tầm vóc quốc tế trong lĩnh vực âm nhạc. Với tài năng điêu luyện xuất chúng đuợc đánh giá qua các giải thưởng gần đây, Nghệ sĩ Vân Ánh được xem như là người mở cánh cửa nơi hải ngoại cho âm nhạc truyền thống dân tộc Việt Nam hãnh diện đóng góp vào vườn hoa muôn sắc của nghệ thuật âm nhạc trên thế giới.
Trong đêm đại nhạc hội, cô trình bày nhạc phẩm “Vịnh Hoa Đào” do cô sáng tác bằng đàn tranh và song tấu cùng tiếng đàn dương cầm với nhạc sĩ Lannie Triệu rất tuyệt vời. Trong cuộc biểu diễn với tài nghệ thiên phú của cô, người ta có thể cảm nhận được hình ảnh tươi sáng của mùa xuân với vườn đào rực rỡ qua mười ngón tay luyến láy của cô, hay hình ảnh những em bé tung tăng đùa vui trong gió dưới những cánh hoa rơi nhè nhẹ của nắng xuân.
Hay một màn biểu diễn độc đáo của bốn ngôi “sao vàng” Nhạc Sĩ Phạm Đức Thành (Bầu), Kim Uyên (Tranh cao), Vân Ánh (Tranh trầm), Hải Yến (bộ Gõ), tất cả đã Ứng Tác, Ứng tấu, một sáng tạo kẻ tung, người hứng trong một giai điệu tuyệt vời, đã làm cả Hội Trường như rơi vào thinh lặng; chỉ còn lại âm thanh của đàn tranh, đan bầu, tiếng đánh nhịp, tiếng trống đan nhau tạo lên một bức tranh âm thanh huyền hoặc. Có nghe mới biết được âm nhạc Việt Nam rất phong phú và đa dạng; mặc dù đã qua bao thăng trầm và ảnh hưởng bởi nhiều nền âm nhạc ngoại, nhưng nét thuần Việt vẫn còn rõ nét. Đặc biệt nhất là tiếng đàn tranh với cung bậc, nhẹ nhàng, thanh thoát, nhún nhảy nghe lạ và khác với các loại nhạc cụ có âm sắc tương tự của Trung Hoa, Nhật Bản hay Hàn Quốc. Đàn Tranh Việt Nam có những thủ pháp của bàn tay trái, rất quan trọng đó là ngón rung, ngón mổ, ngón luyến v.v. còn bàn tay phải gẩy lên giai điệu của bản nhạc, diễn tả tiếng đàn mạnh, nhẹ, to, nhỏ, tất cả các yếu tố trên đã tạo ra những cung bậc buồn, vui, tức giận, ai oán, dịu dàng, duyên đáng; đó chính là những âm điệu độc đáo khác biệt của đàn tranh Việt.
Màn biểu diễn độc đáo của bốn ngôi “sao vàng” Nhạc Sĩ Phạm Đức Thành (Bầu), Kim Uyên (Tranh cao), Vân Ánh (Tranh trầm), Hải Yến (bộ Gõ),
Đặc biệt tiết mục “Tứ Đại Cảnh”, “Cổ Bản”, “Đảo Ngũ Cung” do ba Giáo Sư âm nhạc Phương Oanh, Thúy Hoan, Ngọc Dung trình diễn đã chinh phục được trái tim của khán giả mộ điệu với ngón đàn điêu luyện của giai điệu ba miền Bắc, Trung, Nam được kết tấu hài hòa, nhịp nhàng đầy quyến rũ theo từng cung bậc thăng trầm, luyến láy mang đậm hơi thở không gian Việt.
Tiết mục “Tứ Đại Cảnh”, “Cổ Bản”, “Đảo Ngũ Cung” do ba Giáo Sư âm nhạc Phương Oanh, Thúy Hoan, Ngọc Dung trình diễn
Một màn trình diễn khác của ngôi sao Hải Yến với nhạc cụ Tây Nguyên (đàn T’rưng) trong bài “Cao Nguyên Chào Mặt Trời” đã làm lòng tôi xúc động, vì cao nguyên Trung phần là nơi tôi có nhiều kỷ niệm từ những giọt rượu cần đến những nguồn âm thanh thiên nhiên, đến những tiếng cồng chiêng, những nhạc cụ thô sơ bằng tre, bằng đá là giai điệu êm nhẹ, bình an của núi rừng bất tận trong cõi lòng tôi. Hôm nay nghe Hải Yến với tài nghệ thiên phú, với bàn tay phù thủy trên những ống tre đã đưa tôi về lại khung trời của núi rừng hùng vĩ năm xưa với một nỗi buồn vui khôn xiết.
Ngôi sao Hải Yến với nhạc cụ Tây Nguyên (đàn T’rưng) trong bài “Cao Nguyên Chào Mặt Trời”
Chương trình có rất nhiều tiết mục đặc sắc; rất tiếc chúng tôi không thể trình bày hết được như hợp tấu đàn tranh “Hòn Vọng Phu”, “Lý Con Sáo” cải lương của nhóm Tiếng Hoài Hương, độc tấu đàn tranh “Sang Xuân” của Thúy Vân, Tam tấu đàn tranh “Hội Ngộ Khúc” của nhóm Tre Viêt Ensemble, Đơn ca “Giọng Hò Phương Nam” với Liêu Nguyệt Lan, Vũ “Hái Trà”, “Múa Đũa” “Trống Cơm” song tấu tranh “Nhớ Về Hải Đảo” và “Phù Sa Vũ Khúc” của Hướng Việt Performing Arts Group, độc tấu sáo Giai Điệu Quê Hương với Thanh Hòa.v.v nhưng đặc biệt tiết mục ngâm thơ “Thăng Long Thành Hoài Cổ” với Kim Uyên, Đức Thành và Hải Yến đã để lại trong lòng mọi người một chút bùi ngùi, một chút thương, chút nhớ về quê hương xa xa ngàn dặm của một thời ngựa xe mang dấu hồn thu thảo.
Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương
Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương,
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang thương.
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ.
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường
Và một tiết mục khác liên quan đến lịch sử Việt; nhất là trong lãnh vực âm nhạc, đó là thể loại Nhã Nhạc Cung Đình Huế thời triều Nguyễn trong “Tùng Quân & Đăng Đàn Cung” với tất cả nghệ sĩ tham dự đại hội đồng trình diễn, đã làm nhiều người lớn tuổi nhớ về Cố Đô Huế một thời huy hoàng của lịch sử âm nhạc Việt Nam. Nhạc cung đình là một bộ môn duy nhất được ghi vào sử sách từ xa xưa, trải qua bao thăng trầm của các triều đại, bao biến thiên của thời cuộc mà vẫn còn lưu lại cho đến ngày hôm nay vì nhã nhạc Huế có giá trị rất cao về phương diện lịch sử lẫn nghệ thuật.
Ngoài các Giáo Sư tiền bối âm nhạc còn có các nhóm nhạc khác từ nhiều nơi về như: Tre Việt (Canada), Tiếng Vọng Quê Hương (San Jose CA), Phương Ca Oslo (NaUy), Tiếng Hoài Hương (Oregon), Hương Xưa (Houston) và nhóm chủ nhà Hướng Việt. Chúng tôi nhìn thấy mọi người làm việc rất hăng say trong tinh thần phục vụ nghệ thuật rất cao độ, chính vì thế mà đêm Đại Hội Âm Nhạc Truyền Thống đã thành công rực rỡ với nhiều tràng pháo tay hoan hô nồng nhiệt.
Với một đêm Đại Nhạc Hội có tầm vóc, với hằng trăm diễn viên từ nhiều nơi qui tụ về, với những tài nghệ khác nhau, với hằng chục tiết mục từ các thể loại hòa tấu, độc tấu, tốp tấu, múa, đơn ca.v.v mà thời gian rất giới hạn để tập dợt với nhau, đó chính là một thách thức lớn. Cuối cùng thì sân khấu, âm thanh, ánh sáng được hoàn chỉnh tuyệt vời ngoài dự tính và nhất là kết quả sau cùng của một đêm Đại hội âm nhạc truyền thống dân tộc thành công trên mọi mặt; đồng thời đã để lại trong lòng mọi người những hình ảnh Quê hương tuyệt đẹp và những tình tự dân tộc khó quên.
Nhóm Hướng Việt trong màn múa nón đặc sắc
Chương trình khai mạc cũng như kết thúc đã để lại một dấu ấn tuyệt vời đầy ý nghĩa của đêm Đại Hội Âm Nhạc Truyền Thống kỳ 2 tại vùng Tây Bắc Hoa Kỳ rất long trọng, đầy nghệ thuật và nhiều nét đặc trưng văn hóa Việt. Với hùng hậu diễn viên vừa Thầy, vừa trò, vừa những ngôi sao trẻ sáng chói âm nhạc hiện nay hải ngoại, đã tạo thành một bức tranh âm thanh màu sắc tuyệt dịu, lung linh hồn non nước Việt.
Một nét đặc biệt khác trong phần cuối chương trình ngày thứ Bảy: Giáo Sư Phương Oanh và Việt Hải đã làm hý viện bừng lên một sức sống tươi vui qua nhạc phẩm “Yêu Đàn Yêu Người” Giáo Sư Phượng Oanh đã hướng dẫn mọi người ca theo một đoạn ngắn do cô soạn thảo “….Vui ca hát đêm nay, cung đàn lời ca chứa chan mãi ân tình. Rồi ngày mai xa cách đôi đường. Bầu tranh sáo ngân ca, quê mẹ xa cách trùng mãi ghi lòng. Đường dầu xa gian khổ vẫn bền….”.Sau đó mọi người cùng ca theo với các nghệ sĩ hòa theo tiếng vỗ tay đánh nhịp thật rộn ràng vui nhộn.
Cũng trong dịp Đại Hội Âm Nhạc Truyền Thống kỳ 2, Ban Tổ Chức cũng trao Plaques, hoa và quà lưu niệm đến các Thầy Cô để tỏ lòng biết ơn của đạo nghĩa Thầy trò.
Báo giới truyền thông và và quý đồng hương quan tâm đến văn hóa dân tộc có mặt tham dự đại hội
Chương trình Đại Hội Âm Nhạc Truyền Thống Việt Nam lần 2 trong ba ngày đã kết thúc vào ngày Chủ Nhật 21 tháng 07/2013 với sự lưu luyến chia tay của khán giả. Ngoài phần trình diễn các tấu khúc làm khán giả thích thú, say mê còn có phần thuyết trình về âm nhạc Việt để mọi người tìm hiểu về tinh hoa và những nét đặc thù của nhạc Việt trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử. Đồng thời Ban Tổ Chức cũng kêu gọi sự trợ giúp của mọi tầng lớp để phát triển âm nhạc dân tộc Việt, nuôi dưỡng một thế hệ nghệ sĩ mới cho nền nghệ thuật nước nhà.
Ngày bế mạc với phần trao bằng tri ân của ban tổ chức cho các ân nhân yểm trợ đại hội
Đại Hội Âm Nhạc Truyền Thống kỳ 2 năm nay đã để lại trong lòng mọi người một ấn tượng về giai điệu âm thanh huyền hoặc, mà ít có cơ hội chúng ta được thưởng thức. Một bức tranh được vẽ bằng những nốt nhạc, bằng phím đàn, bằng những giai điệu ngũ âm của một quê hương bên kia bờ đại dương với ruộng đồng, với đàn cò trắng, với dòng sông, mái rạ của ngày tháng yên bình xưa cũ.
Linh Vũ
Từ: http://www.baocalitoday.com/vn/tin-tuc/van-nghe/dai-hoi-am-nhac-truyen-thong-ii-thanh-cong-ruc-ro.html