Là người Việt Nam, dù ở nơi đâu chúng ta cũng luôn nhớ và tự hào về di sản văn hóa âm nhạc truyền thống dân tộc mà cha ông đã để lại. Âm nhạc luôn có một dòng chảy văn hóa dân gian … Trong thời gian qua, âm nhạc truyền thống dân tộc đã chứng minh được những giá trị mang bản sắc của mình để đưa vào những ca khúc từ tiếng nói của dân tộc. “Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời, người ơi …” Giòng nhạc vút cao, thanh thoát nhẹ nhàng, lời thì quả tuyệt vời len lỏi vào mọi ngỏ ngách tâm hồn của mỗi người Việt. Mở đầu bài Tình Ca của Phạm Duy “Tôi yêu tiếng nước tôi …”, câu hát thật dễ thương kèm những lời lẽ chân tình, thắm thiết về quê hương và nhất là về tiếng nói (mẹ đẻ) của dân mình mà không có bài hát nào của bất cứ dân tộc nào trên thế giới có thể có được ! Từ khi chào đời “từ lúc nằm nôi …”chúng ta đã đuợc nghe “Tiếng mẹ đẻ” bằng lời ru của “Mẹ hiền ru …” “Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời, người ơi …” Câu hát này phải chăng đã bộc phát từ trái tim một người trẻ tuy rằng chịu ảnh hưởng văn hóa Âu-Mỹ nhưng trái tim Việt Hải vẫn là “trái tim Việt Nam” ?! Đến đây cho phép chúng tôi đi lạc đề một chút để nói về bài “Tình ca” của Phạm Duy. Khi những ngày đầu mang kiếp tỵ nạn, lang thang giữa những căn phố lều ở trại Orote Point của đảo Guam, thình lình nghe đài Radio Chân Trời Mới (của trại tỵ nạn), giọng hát Thái Thanh bỗng cất lên “Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời, người ơi …” Bài “Tình ca” đã lặng lẽ chiếm trọn tâm hồn chúng tôi, nói giùm chúng tôi nỗi nhớ day dứt về nơi chôn nhau cắt rốn mà mình vừa dứt bỏ ra đi … đến một phương trời vô định. “Tôi yêu tiếng nước tôi …”, mặc dầu phải mang kiếp tỵ nạn, nhưng vẫn hãnh diện mình là con Rồng cháu Tiên. Khi đã định cư ở Pháp, ngoài những lúc phải vật lộn với cuộc sống chúng tôi tưởng rằng mình phải đoạn tuyệt với cây bút ! “Tôi yêu tiếng nước tôi …” sau một thời gian dài không viết lách, cho đến khi … các “thầy tôi” … (các sư huynh La san – các Frères trường Taberd Saigon) lập Hội La san Alder ở Paris quy tụ lại các cựu học sinh La san, thì chúng tôi được “lệnh thầy” phụ trách tập san Chân Trời Mới. “Tôi yêu tiếng nước tôi …”, sau Chân Trời Mới, chúng tôi lại chuyển sang chủ trương tập san Ngày Mới Paris, và vẫn tiếp tục … “… yêu tiếng nước tôi …” “Một ngàn năm đô hộ giặc Tàu Một trăm năm nô lệ giặc Tây … ” (Gia tài của mẹ” Trịnh Công Sơn – 1965) Đã biết bao nhiêu lần nước mất, nhà tan … kẻ xâm lược đã tìm trăm phương nghìn kế để đồng hóa “tiếng nước ta”, nhưng tiếng Việt vẫn mãi còn để viết lại những trang sử hào hùng, làm nên những tác phẩm văn chương, những dòng nhạc bất hủ. Tình yêu quê hương luôn là ngọn lửa cháy sáng trong tim mỗi người VN, nên dù ở bất cứ nơi đâu … mỗi người Việt vẫn luôn nhớ về quê mình. Quê hương như người mẹ hiền ôm ta vào lòng và dành cho ta những gì tốt đẹp nhất. Tình yêu quê hương đã ăn sâu vào máu thịt, đi sâu vào lòng mỗi người VN đã khiến Hồng Việt Bác sĩ đông y – Nghệ sĩ Hồng Việt Hải “Người truyền cảm hứng Âm Nhạc Truyền Thống đến tuổi trẻ Việt Nam tại hải ngoại “. Hải, một bác sĩ đông y tài năng, một nghệ sĩ đàn tranh trẻ tuổi dấn thân vào nghệ thuật Âm Nhạc Truyền Thống nơi quê người. Yêu quê hương bằng cả trái tim, Việt Hải đã thành lập Đoàn Văn nghệ dân tộc Hướng Việt để truyền cảm hứng Âm Nhạc Truyền Thống đến tuổi trẻ Việt Nam tại hải ngoại cùng mang đến cho khán giả yêu mến Âm Nhạc Dân Tộc có được những phút giây thăng hoa cùng cây đàn tranh cổ truyền. Đây là niềm tự hào của Việt Nam khi còn có những người trẻ ở hải ngoại vẫn còn tha thiết với tiền đồ âm nhạc dân tộc. Nhân dịp Đại Hội “Âm Nhạc Truyền Thống Việt Nam lần IV ” sẽ tổ chức tại Paris vào trung tuần tháng 7 năm 2017. Giáo sư, nhạc sĩ Phương Oanh (Paris) mời chúng tôi, tập san Ngày Mới Paris tham dự với tư cách cơ quan truyền thông ở Paris. Khi nhận được danh sách các khách được mời tham dự đại hội do chị Phương Oanh gửi đến khiến chúng tôi dè dặt … Quả thật đây, toàn là những “cao thủ” đã có một bề dày phong phú về Âm Nhạc Truyền Thống Việt Nam ở quốc nội, cũng như hải ngoại. Tuy nhiên đã lỡ (hứa) … với chị Phương Oanh, thôi thì … đành vậy ! Trong danh sách các khách mời tham dự đại hội, tên Hồng Việt Hải được chị Phương Oanh ghi thêm : “Đây là một tài năng còn rất trẻ …”. Sau khi lướt qua một vòng trên mạng … Hồng Việt Hải, quả là tuổi trẻ tài cao ! Hồng Việt Hải, nghệ sĩ đàn tranh trẻ tài năng – niềm tự hào của Việt Nam ! Luôn nặng lòng với quê hương Việt Nam, nơi đã cho Việt Hải những bài học nhạc (đàn tranh) đầu tiên “từ thuở còn nằm nôi …”. Trong lãnh vực nghề nghiệp, Việt Hải từng được bình chọn là chuyên gia châm cứu có tiếng tại Mỹ. (Chúng tôi nghĩ rằng cuộc đời và sự nghiệp của Việt Hải đã được phổ biến nhiều trên mạng, nên miễn đề cập đến). Trong bài này chúng tôi muốn cùng Việt Hải chia sẻ những trăn trở không chỉ trong lãnh vực âm nhạc, mà đặc biệt về tiếng “mẹ đẻ” đang bị mai một ở hải ngoại. Tiếng Việt là ngôn ngữ giao tiếp quan trọng trong một cộng đồng dân cư rộng lớn như ở Hoa kỳ. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải thừa kế những giá trị ngôn ngữ truyền thống và hội nhập như thế nào để đừng đánh mất bản sắc của tiếng mẹ đẻ. Phải nặng tình lắm với âm nhạc dân tộc, “người thầy thuốc đông y” đã, đang gieo mầm âm nhạc truyền thống dân tộc cho thế hệ trẻ ở hải ngoại : Đoàn Văn nghệ dân tộc Hướng Việt do Việt Hải thành lập là “cánh đồng âm nhạc truyền thống” mà Việt Hải là người đang canh tác. Chào Việt Hải, Sau khi “cà kê” một vòng, phải chăng đây vốn là “nghề” của các nhà báo ?! Bây giờ chúng ta hãy cùng trò chuyện thân mật với “người bạn vong niên” Hồng Việt Hải. Lê Trân (tập san Ngày Mới Paris) : Âm nhạc là loại hình nghệ thuật có sức lôi cuốn mạnh mẽ nhất, mang lại những ấn tượng đẹp nhất vào cảm xúc của con người khiến Việt Hải bén duyên với cây đàn tranh từ năm lên 10. Phải chăng cây đàn tranh đã truyền cảm xúc cho Việt Hải đi vào thế giới âm nhạc truyền thống ? Nghệ sĩ Việt Hải : Đúng vậy, chính cây đàn tranh đã mang lại cho tôi nhiều cảm xúc và sự cân bằng trạng thái của một người làm về đông y trước những thúc ép của việc học tập, làm việc để cứu chữa cho bệnh nhân. Tiếng đàn tranh còn là người bạn đường đồng hành đáng quý để tôi đi vào thế giới âm nhạc truyền thống mênh mông rộng lớn. Ở đó mỗi chặng đường lại có thêm niềm tin yêu mới để hướng đến một mục đích to lớn mà không chỉ riêng tôi, đối với tất cả những ai yêu mến loại nhạc cụ này, đó là nhân rộng niềm đam mê để tiếng đàn tranh vươn xa hơn, lan tỏa đến đời sống cộng đồng người Việt tại hải ngoại, để luôn gìn giữ cội nguồn dân tộc. Diễm Thy (tập san Ngày Mới Paris) : Trong cơn lốc hiện đại hóa hiện nay, nhiều người đặc biệt là giới trẻ bị cuốn hút quá nhiều bởi phong cách của lối sống mới đến nỗi ngày càng xa dần với những giá trị văn hóa cổ truyền. Có ý kiến cho rằng nhiều người trẻ đang quay lưng lại với âm nhạc dân tộc. Điều đó đúng đến mức nào ? Nguyên nhân vì đâu ? Theo Việt Hải, có phương thức nào giúp tạo lập niềm yêu thích âm nhạc truyền thống cho những thế hệ mai sau đặc biệt là giới trẻ VN hải ngoại ? Nghệ sĩ Việt Hải : Điều đó đúng ở mức độ nhìn bề ngoài đều cảm thấy như thế, vì giới trẻ có nhiều lựa chọn trong cuộc sống hôm nay khi tìm kiếm một môn giải trí, một ngón đờn mình yêu thích hoặc đơn giản chỉ là để giải khuây với những nhạc cụ hiện đại hơn. Tuy nhiên, nhưng mục tiêu của đoàn văn nghệ Hướng Việt, đó là đi thẳng đến trái tim người đam mê âm nhạc, tôi chủ trương khơi nguồn từ các em học trò nhỏ, để từ không yêu thích môn nhạc cụ này họ sẽ chạm tay đến việc góp phần gìn giữ cùng tôi tiếng lòng của dân tộc. Họ không quay lưng chỉ vì người lớn không biết cách gieo mầm. Phương pháp duy nhất chính là cha mẹ trong nhà hướng các con mình quan tâm đến việc nâng niu giá trị truyền thống văn hóa và nghệ thuật của dân tộc. Cho các bạn nhỏ làm quen, hiểu một cách khái quát về âm nhạc dân tộc, từ đó gieo vào đầu các em ý thức biết bảo vệ di sản, bảo vệ cội nguồn và gần nhất là làm quen với đàn tranh, để có thể giữ được tinh túy của nền âm nhạc dân tộc Việt. Tôi tin dù ở bất cứ nơi đâu, cha mẹ biết quan tâm và định hướng thì các em sẽ làm quen, mạnh dạn tìm đến những nhạc cụ dân tộc, trong đó có đàn tranh. Bằng chứng là nhiều quốc gia có số đông người Việt đang sinh sống, có nhiều em nhỏ, thế hệ sau tôi vẫn tiếp tục học đàn tranh và khi thông thạo thì đứng ra mở những lớp học đàn tranh cho thế hệ sau mình. Cứ thế tiếp nối một truyền thống rất tuyệt vời của dân tộc Việt, đó là bảo tồn vốn quý của ông cha để lại từ trong văn hóa và nghệ thuật, đồng thời phát huy sáng tạo để đàn tranh xuất biện một cách nền nã, hiện đại trong các chương trình hòa nhạc quốc tế. Lê Trân (NM) : Vốn là một bác sĩ đông y trẻ ở Hoa kỳ, Việt Hải nghĩ gì khi nghe đề cập về y đức ở nước ta, câu nói được trích dẫn nhiều nhất : “Lương y như từ mẫu”. Từ lâu, “Lương y như từ mẫu” được xem là cốt lõi đạo đức của nghề y, bởi vì nghề y là nghề rất đặc biệt. Đúng như danh sư nước ta, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác từng nói : “Không có nghề nào nhân đạo bằng nghề cứu người, không có nghề nào vô nhân đạo bằng nghề y thiếu đạo đức”. Nghề y mà thiếu đạo đức thì đúng là chỉ có chết người ! Hippocrate được coi là cha đẻ của y đức từ gần 2500 năm trước, đến nay y đức là một phạm trù đạo đức vô cùng rộng lớn, người thầy thuốc phải học cả đời vẫn chưa hiểu hết được hai chữ y đức tưởng như đơn giản ấy : “Nghề y là một nghề cao quý, được xã hội tôn vinh. Mỗi người khi đến với nghề phải có cái tâm, hay nói đúng hơn là y đức”. Nói theo triết lý nhà Phật, người hành nghề y phải có từ bi và trí tuệ. Nếu từ bi mà không có trí tuệ là từ bi mù và trí tuệ mà không có từ bi thì đó là trí tuệ ác. Nói một cách ngắn gọn là người thầy thuốc phải có tâm và có tầm. Khi đề cập đên âm nhạc, Đức Khổng Tử đặc biệt nhấn mạnh đạo đức trong âm nhạc. Ngài quả quyết âm nhạc tốt có thể nâng cao đạo đức con người : “Không có gì có thể mạnh hơn âm nhạc để nâng cao truyền thống xưa, không có gì thích đáng hơn âm thanh để hạn chế bớt những (quyền lực) các nhà lãnh đạo trong việc cai trị”. “Đức giả, tính chi đoan dã; nhạc giả, đức chi hoa dã”, (tạm dịch : “bậc đạo đức, có sự ngay thẳng, đoan chính nằm trong tính tình; nhạc sĩ là bông hoa của đức”) đã chỉ rằng “Đức chính là thiên tính của con người; còn Âm nhạc là đóa hoa của đạo đức tỏa sáng”. Người Trung Quốc thời xưa đặc biệt chú ý về ảnh hưởng của âm nhạc với tính nết con người. Họ ca tụng quan niệm sự lợi ích lớn lao của âm nhạc chính là giáo dục. Họ cho rằng âm nhạc tốt là tiếng của đức. “Đức hạnh là nguyên thủy của bản thể, âm nhạc là điểm sáng của Đức”. “Đạo đức trước tiên, kỹ thuật là thứ”. (Yue Ji ghi chú). Theo đó, nội dung của âm nhạc là chính, kỹ thuật không quan trọng, đức hạnh và tâm linh mới là quan trọng nhất, để diễn tả ý nghĩa của âm nhạc, người trình diễn có thể tạo đức và tâm tính, chỉ những nhạc sĩ với đặc tính này trình diễn mới chiếm được tâm hồn khán giả. “Cốt tủy của âm nhạc cao thượng là trung đạo dễ thương – tốt tự nhiên tiềm ẩn. Âm nhạc này có thể thay đổi tập quán xấu để đưa người ta tới từ bi – khiêm nhường – kín đáo”. (ChK) Là một bác sĩ đông y, một nghệ sĩ đàn tranh sáng tác, Việt Hải cho độc giả biết quan niệm của mình giữa Y Đức và Nhạc Đức. Nghệ sĩ Việt Hải : Theo tôi y đức và nhạc đức không thể thiếu trong bản thân một người đã toàn tâm, toàn ý để đến với sự nghiệp của mình. Tôi học y và chọn âm nhạc dân tộc để theo đuổi, đó là một cách duy nhất nhằm cân đối chính bản thân mình trước quá nhiều áp lực từ công việc học và làm nghề y. Cân bằng ở đây cũng chính là tìm lại giá trị nguyên gốc của việc chăm sóc bệnh nhân đúng như câu nói của ông bà xưa: “Lương y như từ mẫu”. Âm nhạc dân tộc từ tiếng mẹ ru cho đến giọt đờn bầu đã mang lại thanh âm như chính tình thương yêu mà người mẹ dành cho con. Và chính vì thế mà âm nhạc dân tộc đã nuôi lớn biết bao tài năng từ trong việc bảo vệ cội nguồn của dân tộc. Biết nâng niu y đức sẽ tìm thấy sự đồng điệu trong nhạc đức, ngược lại cũng thế, nhạc đức có sẳn trong tim tôi, nên đã là lực đẩy để tôi lao mình về phía trước, làm cho bằng được những ước mơ của mình trong học tập, nghiên cứu để trở thành một bác sĩ đông y. Diễm Thy (NM) : Tiếng Mẹ đẻ vốn là một đặc trưng sống còn của một dân tộc. Qua hàng mấy nghìn năm hình thành và phát triển, chúng ta vẫn có thể tự hào về sự phong phú và tinh tế của Tiếng Việt. Tiếng Việt luôn vốn là “dòng sữa mẹ !” Người Việt xa quê hương trên 40 năm, đã ít nhiều hội nhập cuộc sống ở các nước sở tại. Cùng với những thành quả tốt đẹp do sự hội nhập đem lại, tuy nhiên cạnh đó chúng ta lại phải đối diện với những mất mát không thể tránh, đó là ngôn ngữ và văn hoá Việt đang dần dần phai nhạt trong thế hệ thứ hai và thứ ba. Vốn là người trẻ trưởng thành, hội nhập và đạt được những thành quả tốt đẹp trong lãnh vực nghề nghiệp tại Hoa kỳ, ngoài ra Việt Hải còn có những hoạt động văn hóa điển hình là Đoàn Văn nghệ dân tộc Hướng Việt mà Việt Hải đã khai sáng và thành lập trên 15 năm nay. Việt Hải đang tiếp tục gieo mầm âm nhạc truyền thống cho thế hệ trẻ VN ở hải ngoại. Trong khi đó, hiện nay vẻ trong sáng của tiếng Việt đang dần bị đánh mất từng ngày nơi giới trẻ. Khi các học viên theo học các nhạc khí cổ truyền do Việt Hải truyền dạy, nhưng họ lại không thật sự thông thạo tiếng Việt, theo Việt Hải, họ có thể lãnh hội được dễ dàng những giá trị mang tính bản sắc của dân tộc mình qua âm nhạc truyền thống ? Nghệ sĩ Việt Hải : Nhiều em không nói được tiếng Việt, nhưng sau khi tham gia lớp học của tôi đã có thể nói được tiếng Việt. Cách dạy là quan trọng, trong việc học tôi còn dạy các em về văn hóa cổ truyền của dân tộc. Tôi mở ra trong mắt các em một vùng trời âm nhạc rất đẹp của quê nhà, nơi rất cần các em khám phá và quyết tâm chạm tay đến, góp phần cùng tôi làm thăng hoa những cảm xúc để nâng tính bản sắc của dân tộc qua âm nhạc truyền thống. Lê Trân (NM) : Phải là người luôn nặng lòng với quê hương, Việt Hải mới cho khai sinh Đoàn Văn nghệ dân tộc Hướng Việt. Phải chăng đây là cách giúp người Việt tạo ra ấn tượng bản sắc riêng đối với người bản xứ; mong được làm ngọn đuốc để trao lại vốn đó cho thế hệ mai sau ? Nghệ sĩ Việt Hải : Tôi không dám nghĩ mình sẽ là ngọn đuốc, là người vĩ đại trong việc này. Tôi chỉ là tôi, một bác sĩ đông y yêu âm nhạc dân tộc và tâm huyết gầy dựng một đoàn văn nghệ dân tộc mang tên Hướng Việt, để cùng với các thế hệ yêu bộ môn âm nhạc truyền thống góp phần cùng nhiều kiều bào trên khắp thế giới, gìn giữ và nâng niu âm nhạc dân tộc. Diễm Thy (NM) : Đối với giới trẻ và những người sinh trưởng hoàn toàn tại Mỹ có bao giờ Việt Hải nói chuyện với họ và nhắc nhở họ vẫn còn một quê hương thứ hai tại Việt Nam hay không? Và trong khi được nghe như vậy thì phản ứng của họ như thế nào? Nghệ sĩ Việt Hải : Thưa có chứ, trong những buổi học đàn các em của Hướng Việt đều có những buổi lý thuyết học về lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán Việt Nam để các em không quên nguồn gốc của mình. Phản ứng của các em chính là việc học học tập và định hướng nghề nghiệp nghiêm túc để sau này trở thành một công dân hữu ích cho xã hội. Lê Trân (NM) : Âm nhạc truyền thống luôn là mạch nguồn nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo để làm nên những giá trị mới cho đời sống âm nhạc. Là một nghệ sĩ Việt Hải có quan niệm như thế nào ? Nghệ sĩ Việt Hải : chính xác, vì có trân quý tôi mới học, có học thì có hành và có sáng tác, nghiên cứu để tạo thêm những giá trị mới cho đời sống âm nhạc hiện nay. Quan niệm của tôi đó là tạo thêm thật nhiều cảm xúc mới để định hướng cuộc sống. Diễm Thy (NM) : Trong âm nhạc truyến thống, điều quan trọng nhất với Việt Hải là gì ? Nghệ sĩ Việt Hải : Thông thạo các kỷ thuật nhấn nhá, các làn hơi điệu thức đặc biệt của âm nhạc Việt Nam, sau đó thêm vào cảm xúc của bản thân. Một người nghệ sĩ âm nhạc truyền thống Việt Nam phải thông thạo các kỷ thuật này để âm nhạc Việt Nam không bị lai căn mất gốc hay bị ảnh hưởng của âm nhạc nước ngoài, ví dụ của Trung Quốc chẳng hặn. Sau khi thông thạo các kỷ thuật này thì cảm xúc cá nhân cũng đóng góp một phần rất quan trọng. Nếu chỉ đàn mà không gieo vào đó cảm xúc và nhịp đập con tim, thì người nghệ sĩ chỉ được xem như một người thợ đàn mà thôi. Lê Trân (NM) : Theo Việt Hải, có mối giao thoa trong âm nhạc truyền thống và âm nhạc hiện đại ? Diễm Thy (NM) : Trước thực trạng âm nhạc dân tộc đang có nguy cơ lạc lõng giữa cuộc sống đương đại trong khi đó các loại hình giải trí mới đang thực sự xuất hiện ngày càng nhiều khiến âm nhạc truyền thống đang mất dần chỗ đứng. Theo Việt Hải, làm cách nào có thể bảo tồn âm nhạc truyền thống và song hành cùng dòng chảy âm nhạc trong cuộc sống hôm nay ? Nghệ sĩ Việt Hải : Mối giao thoa giữa âm nhạc truyền thống và âm nhạc hiện đại chính là sự nâng niu, chơi nhạc cụ dân tộc cũng như chơi nhạc cụ hiện đại mà không có tình cảm dành cho nó thì sẽ vô ích. Giao thoa còn được hiểu phải thật sự hài hòa với việc đem cảm xúc, tình yêu đó lan tỏa đến cộng đồng. Tôi tin dù cho âm nhạc hiện đại có phần nào lấn áp âm nhạc truyền thống, thì trong trái tim mỗi người dân Việt vẫn biết cội nguồn của mình ở đâu mà tìm về. Lạc lõng hay không chính là do mỗi trái tim chúng ta. Có biết dành chỗ cho âm nhạc cội nguồn và những người đi trước có trách nhiệm này để gieo mầm cho thế hệ trẻ. Tôi đang làm công việc gieo mầm và yêu quý công việc này. Lê Trân (NM) : Tổng thống Hoa Kỳ JF Kennedy có lần đã nói: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho bạn, mà hãy tự hỏi bạn đã làm gì cho Tổ quốc ? ” Một xã hội đa chủng quốc như Hoa kỳ mà họ còn nói đến tổ quốc, đến quê hương, huống chi chúng ta là người Việt Nam. Đất nước đã trải qua biết bao biến thiên thời cuộc, nhưng chúng ta cũng vẫn hãnh diện vì mình là người Việt Nam, có tiếng nói riêng, có chữ viết riêng, có nền văn hóa riêng, không giống một dân tộc nào cả (không bị đồng hóa). Tuy nhiên trong thời buổi kinh tế thị trường mà nói đến yêu quê hương có vẻ như sáo quá chăng ? Việt Hải có tâm đắc với câu nói trên không ? Nghệ sĩ Việt Hải : Yêu quê hương sẽ không là câu nói đầu môi nếu biết làm điều gì đó cho việc giữ gìn bản sắc văn hóa và âm nhạc Việt. Lê Trân (NM) : Từ khi Đoàn Văn nghệ dân tộc Hướng Việt được ra đời, việc chú trọng khai thác âm nhạc dân tộc có trở thành mối quan tâm thường xuyên của Việt Hải và về nghề y có bị ảnh hưởng không ? Nghệ sĩ Việt Hải : Như đã nói, để cân bằng thì tôi luôn tạo cho cuộc sống sắc diện từ hai phía, một bên do âm nhạc truyền thống mang lại sự tươi nguyên trong tâm hồn, một bên cần có y đức để phụng sự công việc cứu chữa con người thoát khỏi những căn bệnh. Lê Trân (NM) : Lần này sang tham dự “Đại Hội Âm Nhạc Truyền Thống Lần thứ IV” tổ chức tại “kinh đô ánh sáng Paris”, Việt Hải có ý định mang theo Đoàn Văn nghệ dân tộc Hướng Việt đến trình diễn ở Paris ? Nghệ sĩ Việt Hải : Cùng tham dự đại hội kỳ này cùng Việt Hải còn có các thành viên của Hướng Việt: Thúy Loan, Lakim, Lưu Lily, Quang Huy, Quang Huyên, Tạ Sơn, Minh Ngọc, Thanh Nga, Condit Huyền, Randall Neal, Nguyễn Trinh, Xie Melody, và Thanh Hiệp Diễm Thy (NM) : Theo Việt Hải, làm cách nào có thể tiếp tục đầu tư Âm Nhạc Truyền Thống tại hải ngoại ? Nghệ sĩ Việt Hải : Việc gieo mầm âm nhạc Việc trong cộng đồng cực kỳ quan trọng. Chính nhờ sự hưởng ứng này mới có thể đầu tư cho việc tổ chức thương xuyên chương trình của Hướng Việt ví dụ như các chương trình Việt Nam Sắc Hương Xưa mà Hướng Việt vẫn tổ chức hằng năm. Chúng tôi đã có được sự đồng cảm sâu sắc sau mỗi lần tổ chức, để từ hàng ghế khán gỉa, họ truyền cảm hứng cho chúng tôi trong biểu diễn âm nhạc dân tộc. Lê Trân (NM) : Việt Hải có muốn gửi tâm tư mình đến độc giả qua mạng DHANTTVN 2017 không ? Nghệ sĩ Việt Hải : Tôi cảm ơn tất cả những tâm hồn Việt đã luôn quan tâm đến Đại hội âm nhạc truyền thống lần IV tại Pháp. Tôi cảm ơn những khán giả của Hướng Việt tại Mỹ đã là chiếc cầu nối đưa chúng tôi đi khắp nơi, mang tiếng đàn lời ca và những giai điệu âm nhạc truyền thống đến với người đồng cảm. Và trên hết xin được cảm ơn những bậc tiền nhân, những người thầy đã tận tụy, tiếp sức, gieo mầm để âm nhạc truyền thống Việt lớn mạnh. Cảm ơn Việt Hải đã dành cho chúng tôi buổi chuyện trò thân mật hôm nay. Chúc Việt Hải tiếp tục phát triển và đạt được nhiều thành quả trong lãnh vực Y Đức lẫn Nhạc Đức. Lê Trân – Diễm Thy tập san Ngày Mới Paris Lời Ban tổ chức Đại hội : Nhân dịp Đại Hội Âm Nhạc Truyền Thống Lần thứ IV được tổ chức tại “kinh đô ánh sáng Paris” thủ đô nước Pháp do giáo sư nhạc sĩ Phương Oanh cùng nhạc viện Phượng Ca Dân Ca Quốc Nhạc tại Paris tổ chức vào trung tuần tháng 7 năm 2017. Một cơ quan truyền thông ở Paris : Tập san NGÀY MỚI Paris đã nhận lời mời của Đại hội để “tiếp chuyện” (phỏng vấn) cùng các giáo sư – nhạc sĩ & nghệ sĩ trên thế giới đến tham dự Đại hội. NGÀY MỚI Paris : Tờ báo Việt ngữ vừa là Nhà xuất bản phát hành tại Paris từ năm 1993 chủ trương phổ biến văn hóa – nghệ thuật & xã hội, hội đủ các điều kiện hiện hành của nước sở tại, được quyền phát hành và phổ biến văn hóa & nghệ thuật Việt Nam. Mời quý vị theo dõi qua website của Đại hội : DHANTTVN 2017 cuộc “tiếp chuyện” của Diễm Thy (Chủ nhiệm NM) & Lê Trân (chủ bút NM) cùng các giáo sư – nhạc sĩ – nghệ sĩ đến từ quốc nội và hải ngoại. DHANTTVN 2017
-
Recent Posts
- Đại Hội Âm Nhạc Truyền Thống lần thứ 5
- Nghệ sĩ Kim Uyên “người giữ hồn cho Âm Nhạc Truyền Thống Việt Nam tại hải ngoại”.
- những bài viết sau đại hội IV Paris
- dai hoi am nhac truyen thong lan thu tu sbtn toronto
- tin tuc
- Bài viết về Đại Hội của Bùi Nguyên Đức, Báo Thời Mới Canada, tháng 07/2017
- Bài phỏng vấn giáo sư Phương Oanh thực hiện bởi phóng viên Từ Nguyên vào tháng 06/2017
- Bài phỏng vấn giáo sư Ngọc Châu thực hiện bởi tập san Ngày Mới Paris vào tháng 08/2017
- Bài phỏng vấn giáo sư Nguyễn Mai thực hiện bởi tập san Ngày Mới Paris vào tháng 08/2017
- Bài phỏng vấn giáo sư Ngọc Dung thực hiện bởi tập san Ngày Mới Paris vào tháng 08/2017
Recent Comments
Archives
Meta