Bài phỏng vấn giáo sư Phương Bảo thực hiện bởi tập san Ngày Mới Paris vào tháng 07/2017

Giáo sư Nhạc sĩ Phương Bảo “Cánh chim đầu đàn của đàn tranh Việt Nam” Nguyên là giảng viên nhạc viện Hà Nội (trưởng bộ môn đàn tranh), trưởng đoàn ca nhạc Bông Sen Tp.Hồ Chí Minh. Xuất thân trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Giáo sư Nhạc sĩ Phương Bảo bắt đầu vào con đường nghệ thuật từ năm 6 tuổi. Trong quá trình hoạt động văn hóa & nghệ thuật trên 5 thập niên, Nghệ sĩ Nhân dân Phương Bảo đã đạt được nhiều thành quả trong những lãnh vực : giảng dạy, biểu diễn, sáng tác và nghiên cứu. Giáo sư đã sáng tạo và cống hiến cho ngành Đàn tranh các kỹ thuật mới chưa từng có trước đó, đưa cây đàn tranh cổ lên vị trí độc tấu tại các sân khấu trong và ngoài nước từ thập niên 60 đến nay. Một công trình “Cải Tiến Đàn Tranh”, năm 1995 Nghệ sỹ Nhân dân Phương Bảo đã nhận được “Bằng Độc Quyền Sáng Chế” do Bộ Khoa học Công nghệ cấp cho cây đàn tranh mà cô đã dày công nghiên cứu và thiết kế. Trong quá trình giảng dạy, giáo sư đã đào tạo ra nhiều sinh viên xuất sắc trong lãnh vực âm nhạc. Hiện là Giáo sư Nghệ Sĩ – Giám đốc Công ty TNHH PHƯƠNG BẢO. Đại Hội Âm Nhạc Truyền Thống Việt Nam lần thứ IV sẽ tổ chức vào tháng 7 năm 2017 tại “kinh đô ánh sáng Paris” France, do Giáo sư Phương Oanh và Học viện Âm Nhạc Truyền Thống Việt Nam tổ chức. Nhân dịp này, giáo sư Phương Oanh đã liên lạc với chúng tôi, một trong những cơ quan truyền thông ở Paris và nhờ tập san Ngày Mới Paris phổ biến tin Đại Hội cùng “tiếp chuyện” với các giáo sư, nhạc sĩ, nghệ sĩ sẽ đến tham dự đại hội. Cuộc hội ngộ Âm Nhạc Truyền Thống Việt Nam lần thứ IV giữa các nghệ sĩ, giáo sư, nhạc sĩ đến từ nhiều miền khác nhau trên thế giới. Nhân dịp này Giáo sư Phương Bảo là một trong các nghệ sĩ, nhạc sĩ sẽ đến từ Saigon – Việt Nam. Lê Trân (tập san Ngày Mới Paris) : Chào chị Phương Bảo, Được chị Phương Oanh cho biết chị sẽ đến từ Việt Nam để tham dự Đại Hội Âm Nhạc Truyền Thống Việt Nam lần thứ IV tại Paris. Đại diện cho Ngày Mới Paris, hân hạnh được tiếp chuyện với chị. Giáo sư Phương Bảo : Xin chào Nhà Báo Lê Trân ! Trước tiên Phương Bảo xin cám ơn sự quan tâm của các anh chị Tập San Paris tới Đại hội ÂNTTVN và rất vui được tiếp chuyện với anh chị. Diễm Thy (tập san Ngày Mới Paris) : Vốn được mệnh danh là “Cánh chim đầu đàn của đàn tranh Việt Nam”, nhân dịp tham dự Đại Hội Âm Nhạc Truyền Thống Việt Nam lần thứ IV tại “kinh đô ánh sáng Paris”, chị đã soạn sẵn lịch trình để giới thiệu những tác phẩm của mình đã đạt huy chương qua nghệ thuật sở trường đàn tranh của chị ? PB rất vui và tâm huyết khi đến với ĐH được chia sẻ những kinh nghiệm bản thân trong lĩnh vực giảng dạy và biểu diễn sáng tác của mình trong nhiều năm qua và cũng để học hỏi tìm hiểu về ÂNTT đang phát triển .., nhu cầu hiện tại như thế nào để cùng các Giảng viên và các em học sinh cùng xây đắp cho ÂNTT ngày càng phong phú lớn mạnh …về tác phẩm PB chỉ trình diễn 1 sáng tác và biểu diễn ” Sang xuân ” 🙂 Lê Trân (NM) : Vốn mệnh danh là người đã “sáng tạo và cống hiến cho ngành Đàn tranh các kỹ thuật mới chưa từng có trước đó, đưa cây đàn tranh cổ lên vị trí độc tấu tại các sân khấu trong và ngoài nước từ thập niên 60 đến nay”. Chị có ý định phổ biến “Kỹ thuật mới chưa từng có trước đó …” của mình để làm phong phú thêm cho kỹ thuật đàn tranh ? 2 Ngoài ra, năm 1995 chị đã đón nhận “Bằng Độc Quyền Sáng Chế” do Bộ Khoa học Công nghệ cấp cho cây đàn tranh mà chị đã dày công nghiên cứu và thiết kế qua một công trình “Cải Tiến Đàn Tranh”. Động cơ nào đã thúc đẩy chị tác chế công trình “Cải Tiến Đàn Tranh” ? Kỹ thuật cây đàn này (của chị), có gì khác biệt với các cây đàn tranh khác ? Chị có ý định đưa kỹ thuật này (của mình) đến mọi người để cây đàn tranh trở nên đa dạng không ? Giáo sư Phương Bảo : Những kỹ thuật mà PB đã nghiên cứu tìm tòi sáng tạo từ những năm 1969 đến nay đã đuợc ứng dụng và phổ biến rộng rãi trong các nhà truờng và nhiều nơi trong và ngoài nước, có thể kể đến việc ứng dụng trong các tác phẩm “Luyện tập khúc Sóng Biển đông” st Cố nhạc sĩ Lê Yên , “Khúc hát ru”, “Xuân Quê Huơng” st NSND Xuân Khải, “Bình Minh Trên Rẻo Cao”, “Cung đàn Quê Mẹ”, “Biển”, “Nhớ Quê” – st PB… với những kỹ thuật 2, 3 bè… 10 ngón, rung nhấn vê kết hợp, bịt tiếng, ngắt tiếng và các hợp âm, rải, vuốt… 2, 3, 4 bè, đánh nhiều biến âm cùng 1 lúc nhấn luyến… các kỹ thuật phức hợp đa dạng làm tăng thêm sự phong phú đa phong cách cho cây đàn tranh VN… Cây đàn tranh cải tiến của PB ra đời với mục đích: Giải quyết khắc phục 1 số sở đoản của đàn tranh bên cạnh những sở truờng, ưu thế tuyệt vời vốn có của cây Đàn tranh VN nên với phương châm cải tiến là tăng thêm chứ không bớt đi… Đàn tranh cải tiến có thể chuyển điệu trên các thể loại dễ dàng, chuẩn xác và nhanh gọn. Có thể đánh các thể loại nhạc cổ, mới hiện đại, trong nuớc ngoài nuớc… tuỳ theo sở thích của từng người . Đàn tranh cải tiến dễ sử dụng về kỹ thuật đàn thì không có gì khác biệt nhiều so với Đàn tranh cổ BN trước đây… thậm chí đánh nhạc cổ hay hơn nhiều vì âm thanh được vang ngân dài nên khi nhấn luyến được rõ và đẹp… khoe được đặc trưng nhấn luyến của đàn tranh VN mềm mại uyển chuyển và tinh tế … Diễm Thy (NM) : Vốn mệnh danh là “những nghệ sĩ biểu diễn đàn Tranh nổi tiếng của đất nước”, là nghệ sĩ tiêu biểu đầu ngành của bộ môn này, đã có uy tín rộng rãi và được quần chúng đánh giá cao. Chị có thể chia sẻ cho độc giả và những người yêu Âm Nhạc Truyền Thống VN quá trình nghiên cứu, tìm tòi (của mình) để sáng tạo ra nhiều kỹ thuật mới cho cây đàn mà trước đó chưa có và đã đoạt được huy chương vàng cùng giấy ban khen qua tài nghệ diễn tấu xuất sắc trên cây đàn tranh của mình. Giáo sư Phương Bảo : Chia sẻ của PB là các bạn hãy yêu cây đàn mình chọn – hãy yêu một cách hết mình. Với những bạn đàn để tự mình thưởng thức, được thư giãn, được thoả mãn ước mơ và đam mê thì các bạn hãy cứ đàn những bản nhạc và những gì bạn thích vì cây đàn có thể hiểu và đáp ứng những gì bạn muốn. Đối với những ai theo nghề thì ngoài những gì mình thích với đàn, mình cần phải quan tâm đến những ý thích của các bạn khác để có thể “hy sinh” một phần mình cho các bạn bằng cách cùng đồng cảm và chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn tận tình… cập nhật và hiểu những gì các bạn khác cần… Lê Trân (NM) : Chị đã đạt được 2 Huy Chương Vàng về biểu diễn cho 2 tác phẩm “Bình Minh Trên Rẻo Cao”(st Phương Bảo) và “Khúc Hát Ru” (st Xuân Khải).2 Giải Nhất hạng mục sáng tác và biểu diễn cho tác phẩm “Biển”, đạt giải Diễn tấu Xuất sắc với tác phẩm “Sang Xuân”tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc và năm 1997 nghệ sĩ đạt giải Bông Sen Vàng. Những sáng tác này là nguồn cảm hứng về việc thực hiện một hành trình phát triển nhạc dân tộc Việt Nam. Chị đã “trình làng” được bao nhiêu “albums” ? 3 Giáo sư Phương Bảo: :)) Chặng đường dài PB tập trung vào giảng dạy, biểu diễn, sáng tác, nghiên cứu, sản xuất … nên thực sự PB chưa đầu tư nhiều cho albums như Lê Trân nói … có 1 tuyển tập và 1 CD , 1 DVD… thời gian tới PB muốn dành thời gian riêng cho mình với dự định ra mắt các Albums mới…. Cám ơn Bạn đã nhắc đến 🙂 Diễm Thy (NM) : Trong các tác phẩm đã sáng tác, chị tâm đắc với tác phẩm nào ? Lý do ? Giáo sư Phương Bảo : Mình tâm đắc với tác phẩm ” Biển ” bởi đó là tác phẩm mình viết khi tốt nghiệm ĐH và là tác phẩm chính thức được học sáng tác tại Nhạc viện VN . Tác phẩm mang âm hưởng Nam trung bộ VN, mang tính triết lý đấu tranh trong cuộc sống. Lòng người cũng như lòng Biển – giữa cái thiện và cái ác – như chân lý, cái thiện bao giờ cũng chiến thắng và rực rỡ huy hoàng. Đó là cái khó mang tính kịch tính cao khi diễn tấu bằng đàn tranh (vốn không phải là sở trường thuận lợi như các bản khác với những kỹ thuật cao , điều khển phối hợp 2 tay thật chính xác với tư duy mang tính nhân văn… người diễn cần ngọt ngào và tiên quyết khéo léo mới truyển tải được tư tưởng tình cảm đến khán giả… Lê Trân (NM) : Bất cứ bộ môn nào của văn hóa và nghệ thuật, để đạt được hoài bão và lý tưởng của mình, đời thi-văn-nghệ sĩ thường gặp phải không ít, nhiều những thăng trầm dẫn đến con đường đó. Nếu “có”, chị có thể chia sẻ (phần nào) những ưu tư, cảm nghĩ của mình. Giáo sư Phương Bảo ::) Cuộc sống và sự nghiệp luôn có những thăng trầm, đó là điều không tránh khỏi. PB cũng vậy. Để chia sẻ thì có nhiều lắm sợ nói dài thời gian không cho phép… về nghề nghiệp thì PB đã trải quá cái thời mà người ta cầm 1 cái đàn dân tộc trên tay bị thiên hại coi thường, dè bỉu hoặc trong chương trình khi giới thiệu đến tiết mục đàn dân tộc ra diễn là khán giả đã ồ lên phản ứng kg muốn xem (tại nhà hát Vũng tàu 1989). Họ rất xa lạ với nhạc dân tộc VN, đương lúc phong trào nhạc nhẹ sôi nổi… Lúc đó PB (là diễn viên Đoản Bông sen) đã phải “dũng cảm ra diễn bằng cả trái tim nóng bỏng hết mình với quyết tâm chinh phục đươc khán giả bằng tiếng đàn tranh. Có lẽ từ tình yêu nên đã được khán giả bất ngờ vỗ tay nhiệt liệt không ngớt và sau khi kết thúc tiết mục đó PB đã phải ra trình tấu lại… PB nghĩ vì trước khi ra diễn đã cố gắng để hiểu khán giả đang cần gì và đã bắt đầu trình diễn bằng cái họ muốn và thich rồi mới dẫn đến điều mà mình muốn truyền tải về cái hồn của dân tộc… Còn những mất mát lớn lao nữa trong đời sống tình cảm riêng nhưng PB đã học chấp nhận và lấy đam mê nghề với những người bạn nghề đặc biệt là các học trò yêu thương đã lấy đi phần nào khoảng trầm ấy. Rồi những thành công và vinh quang nghề đã tiếp sức cho PB đến nay nên PB rất tin yêu các bạn và cuộc sống này. Diễm Thy (NM) : Là nhà biên sọan giáo trình giảng dạy bậc Đại học bộ môn đàn tranh đầu tiên tại nhạc viện Hà Nội và trong quá trình giảng dạy, chị đã đào tạo ra nhiều thế hệ sinh viên ưu tú, xuất sắc qua các bộ môn trong vực âm nhạc. Chị có trăn trở gì trong vai trò “người thầy” với lớp hậu bối ? Giáo sư Phương Bảo : PB rất mừng vì ngày nay âm nhạc dân tộc đã được lan toả rộng khắp trong và ngoài nước… Và chính sự toả rộng, chia sẻ và hoà đồng này thì hơn bao giờ hết chúng ta càng cần phải 4 thẩm thấu, biết cách gìn giữ ANTT của VN. Không hoà tan. Điều này rất khó nếu cái gốc rễ không chắc đối với lớp trẻ, vậy những ai yêu ANTT tâm huyết hãy cùng chung tay để phát triển và gìn giữ ANDT, hãy có nhiều cuộc trao đổi và các kỳ đại hội như thế này và cùng góp sức để hôm nay và mai sau tiếp nối Cha Anh và phát triển… Cảm ơn BTC ĐH, cảm ơn Tập san Paris đã giành thời gian . Lê Trân (NM) : Xin tạm khép lại buổi hàn huyên hôm nay, thành thật cảm ơn chị. Tập san Ngày Mới Paris Lời Ban tổ chức Đại hội : Nhân dịp Đại Hội Âm Nhạc Truyền Thống Lần thứ IV được tổ chức tại “kinh đô ánh sáng Paris” thủ đô nước Pháp do giáo sư nhạc sĩ Phương Oanh cùng nhạc viện Phượng Ca Dân Ca Quốc Nhạc tại Paris tổ chức vào trung tuần tháng 7 năm 2017. Một cơ quan truyền thông ở Paris : Tập san NGÀY MỚI Paris đã nhận lời mời của Đại hội để “tiếp chuyện” (phỏng vấn) cùng các giáo sư – nhạc sĩ & nghệ sĩ trên thế giới đến tham dự Đại hội. NGÀY MỚI Paris : Tờ báo Việt ngữ vừa là Nhà xuất bản phát hành tại Paris từ năm 1993 chủ trương phổ biến văn hóa – nghệ thuật & xã hội, hội đủ các điều kiện hiện hành của nước sở tại, được quyền phát hành và phổ biến văn hóa & nghệ thuật Việt Nam. Mời quý vị theo dõi qua website của Đại hội : DHANTTVN 2017cuộc “tiếp chuyện” của Diễm Thy (Chủ nhiệm NM) & Lê Trân (chủ bút NM) cùng các giáo sư – nhạc sĩ – nghệ sĩ đến từ quốc nội và hải ngoại. Lê Trân & Diễm Thy Tập san Ngày Mới Paris

This entry was posted in English. Bookmark the permalink.